(VOV5) -Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện rất rõ ràng sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 được coi là bước ngoặt lớn trong chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, được Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 11- 2017, thể chế hóa các quan điểm của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật thể hiện rõ sự đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, mục tiêu cao nhất là góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu bỏ phiếu thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chiều tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14. Ảnh đầutư.online |
Mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện rất rõ ràng sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Đặc biệt, Luật mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phân cấp quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, rút ngắn đáng kể thời gian được công nhận của các tổ chức tôn giáo. Ông Trương Đình Căn, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Lâm Đồng, khẳng định Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động thuận lợi hơn: "Chúng tôi thấy Luật có nhiều điểm rất mới và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân được bảo đảm. Rất là thông thoáng trong các hoạt động tôn giáo. Thêm nữa là Luật đã công nhận pháp nhân phi thương mại của các tôn giáo, đó là điểm rất mới."
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; bổ sung nội dung phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Bà Hoàng Thị Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Luật lần này quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và dành mục 2 Chương 6 với 7 điều từ điều 47 đến điều 53 quy định về tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người nước ngoài. Theo đó, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt hoạt động tín ngưỡng tôn giáo như công dân Việt Nam, được học tập tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam. "
Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo cũng được phân định rõ. Các vấn đề về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo; đăng ký hoạt động tín ngưỡng, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo... đều đã được quy định trong Luật.
Bước ngoặt trong chính sách tôn giáo
Nhiều chức sắc tôn giáo đánh giá cao Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vì đáp ứng nhu cầu của đồng bào có đạo trong cả nước. Hoà thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang, nhận xét:
"Về vấn đề tín ngưỡng và tự do tín ngưỡng, tôi thấy nhà nước rất tôn trọng. Tôi nghĩ rằng, tín ngưỡng tôn giáo cũng phải theo Hiến pháp, luật pháp chứ không phải mình muốn làm gì thì làm. Trước khi mình tín ngưỡng một tôn giáo nào thì trước tiên trách nhiệm của mình là phải giữ gìn đất nước mình. Phải thể hiện tinh thần tôn giáo của mình, vừa yêu tôn giáo, vừa yêu dân tộc vừa yêu đất nước. Điều đó tôi nghĩ trong tất cả giáo hội nào cũng vậy, bởi vì độc lập tự do của dân tộc đã phải đánh đổi bằng xương máu của nhân dân".
Hầu hết các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đều được quy định cụ thể và thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực mà không nhất thiết phải chờ văn bản hướng dẫn.
Việc đưa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vào thực thi góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về đảm bảo hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và đấu tranh hiệu quả với hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm quốc gia của Việt Nam đối với việc thực thi pháp luật quốc tế về quyền con người.