(VOV5) - Bắt đầu từ hôm nay, 2 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Nhật Bản và Trung Quốc thực hiện giao dịch trực tiếp giữa đồng Yen và đồng Nhân dân tệ (NDT) trong thương mại song phương. Việc này không chỉ tác động đến hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, mà còn tác động đáng kể đến quan hệ chính trị. Quan hệ Bắc Kinh-Tokyo vốn vẫn còn nhiều trắc trở nhưng hợp tác về tiền tệ này đương nhiên buộc 2 nước phải tăng cường tin cậy lẫn nhau và thêm lệ thuộc vào nhau. Nhân dịp này, Biên tập viên Đài TNVN có bài bình luận nhan đề “Bước tiến mới trong quan hệ Nhật-Trung”.
Ngày 29/5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Azumi cho biết việc thực hiện các giao dịch không dùng tiền của một nước thứ 3 mang lại các thuận lợi như giảm được các chi phí giao dịch, hạ thấp các nguy cơ liên quan đến hoạt động thanh toán của các tổ chức tài chính. Tuyên bố từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng khẳng định việc sử dụng đồng NDT và đồng Yen trong thương mại song phương và đầu tư sẽ góp phần củng cố sự hợp tác tài chính giữa hai nước. Đây là lần đầu Trung Quốc cho phép một loại ngoại tệ ngoài đồng USD được giao dịch trực tiếp với đồng NDT. Giới phân tích nhận định, nhờ trao đổi trực tiếp giữa đồng Yen và NDT, doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc có thể giảm rủi ro gắn với những biến động tỷ giá liên quan đến đồng USD và giảm chi phí giao dịch trung gian qua đồng USD. Đối với Trung Quốc, việc thực hiện thanh toán trực tiếp này là bước cụ thể hóa tham vọng quốc tế hóa đồng NDT. Đối với Nhật Bản, các doanh nghiệp nước này sẽ có lợi trong trao đổi đồng NDT trước các trung tâm tài chính khác như London và Singapore là những thị trường cũng đang kêu gọi thành lập hệ thống giao dịch trực tiếp với đồng NDT. Hệ thống giao dịch trực tiếp này cũng khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân Nhật Bản mua tài sản ở Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc và Nhật Bản có mức trao đổi thương mại lớn và là các đối tác quan trọng của nhau, tuy nhiên khoảng 60% giao dịch thương mại giữa hai nước vẫn đang được thực hiện thông qua đồng đô la Mỹ. Trong bối cảnh tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tình trạng tăng trưởng èo uột của kinh tế Mỹ, cộng với cuộc khủng hoảng nợ công bùng nổ đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và ngành xuất khẩu của cả hai quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề, hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới đều nhận thức rằng để tiết kiệm chi phí trong đầu tư song phương cần phải giảm lệ thuộc vào đồng USD. Do vậy, tháng 11/2011, hai bên đã nhất trí ký kết thỏa thuận xúc tiến thương mại trực tiếp qua nội tệ của hai bên và giao dịch thương mại trực tiếp đồng Nhân dân tệ và đồng Yen được tiến hành từ hôm nay, 1/6, tại thị trường Tokyo và Thượng Hải.
Thực tế hiện nay, hệ thống tài chính quốc tế dựa quá nhiều vào đồng USD đang bộc lộ nhiều bất cập, nhu cầu tái cấu trúc nền tài chính quốc tế là có thực. Nhìn từ góc độ quy mô nền kinh tế, đầu tư và thương mại, NDT là đồng tiền có tiềm lực nhất có thể cạnh tranh với đồng USD trong thanh toán và dự trữ quốc tế. Do vậy, nhiều nhà phân tích dự báo, trong trung hạn, NDT sẽ được chấp nhận trên thị trường tài chính thế giới và về lâu dài, đồng tiền này có thể sẽ giữ vị trí chủ chốt trên thế giới. Trung Quốc hiện cũng đã ký thoả thuận trao đổi tiền tệ với 16 ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có các thành viên khối BRIC (gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Gần đây nhất, vào cuối tháng 3/2012, Trung Quốc cũng ký một thoả thuận trao đổi tiền tệ với Australia, nhà cung cấp khoáng sản, than và quặng sắt lớn nhất của Trung Quốc. Ngân hàng Standard Chartered mới đây công bố việc trong năm 2012 sẽ khai trương tại London trung tâm giao dịch đồng NDT đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. London không phải là nơi duy nhất có ý định mở trung tâm giao dịch NDT, kế hoạch tương tự đang được xúc tiến ở Singapore. Việc giao dịch tiền tệ giữa Nhật Bản – Trung Quốc cũng phản ánh xu thế tất yếu, đem lại lợi ích đáng kể với cả hai quốc gia này. Đối với Trung Quốc, việc giao dịch tiền tệ trực tiếp là bước tiến tiếp theo trên con đường dần gây dựng vai trò mạnh mẽ hơn nữa trên thế giới cho đồng bản tệ, giảm lệ thuộc vào đồng USD và đồng euro. Đồng thời, việc giao dịch giữa hai đồng tiền này cũng làm suy giảm vai trò của USD và euro bởi Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Ngoài tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế, việc giao dịch trực tiếp đồng nội tệ giữa Tokyo và Bắc Kinh còn tác động đáng kể đến quan hệ chính trị hai nước. Trung Quốc là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới và có nhiều khả năng trở thành quốc gia cạnh tranh vị trí siêu cường số 1 thế giới với Mỹ trong tương lai. Còn Nhật Bản, sau giai đoạn phát triển thần kỳ về kinh tế vào những năm thuộc thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước đã trở thành siêu cường kinh tế thứ 2 toàn cầu được cả thế giới ngưỡng mộ. Ngày nay, Nhật Bản cũng đang trên đường tìm kiếm vai trò chính trị tương xứng với tiềm năng kinh tế của mình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới. Tăng cường tin cậy lẫn nhau vì lợi ích kinh tế to lớn của mỗi nước, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, sẽ là xu thế tất yếu mà hai nước mong muốn hướng tới./.