(VOV5) -MSEAP là cơ chế hợp tác nghị viện khu vực Á - Âu theo sáng kiến của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ ba (MSEAP3).Chuyến công tác diễn ra từ ngày 7 đến 12/10 là hoạt động đối ngoại quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong năm 2018, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại Quốc hội trong thực hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga V. Volodin và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang, đồng Chủ tịch sáng lập Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu (MSEAP); thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh và đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam, một hoạt động trong chuyến công tác. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Tích cực định hình cơ chế hợp tác đa phương
MSEAP là cơ chế hợp tác nghị viện khu vực Á - Âu theo sáng kiến của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. MSEAP được tổ chức hằng năm để các cơ quan lập pháp khu vực Á - Âu phối hợp hành động và nâng cao vai trò của ngoại giao nghị viện.
Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần đầu tiên diễn ra tại Nga vào năm 2016 và lần thứ hai tại Hàn Quốc vào năm 2017. Cả 2 hội nghị này thu hút sự tham dự của hơn 24 nghị viện các nước trong khu vực. Điều này cho thấy sự quan tâm của các quốc gia với diễn đàn mới đồng thời là dịp để tăng cường tiếp xúc song phương cấp cao giữa các nước. Trong 2 lần tổ chức, Quốc hội Việt Nam cũng đều cử đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và có những đóng góp tích cực vì sự hợp tác chung giữa nghị viện các nước Á - Âu.
Tiếp đà hợp tác này và thể hiện sự coi trọng việc thúc đẩy hợp tác nghị viện Á - Âu, tại MSEAP 3, Việt Nam cử lãnh đạo cao nhất của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tham dự. Với chủ đề “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở Á Âu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có bài phát biểu tại phiên toàn thể với các nội dung chính như: đánh giá cao các sáng kiến hợp tác Á Âu về kinh tế, góp phần kết nối và gia tăng sức mạnh của các nền kinh tế trong khu vực; nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc đảm bảo và thúc đẩy hợp tác Á - Âu nhằm tăng cường liên kết khu vực…; đề ra những phương hướng, nhiệm vụ phát triển của MSEAP trong tương lai.
Việc tham dự hội nghị lần này cũng tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp xúc, trao đổi với nghị sỹ các nước về những mối quan tâm chung của khu vực và thế giới; kết nối hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với các nghị viện khu vực Á - Âu.
Thể hiện đường lối đối ngoại tích cực, chủ động
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự MSEAP 3 là hiện thực hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng, là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp định hình các thể chế đa phương.
Không chỉ tham dự và đóng góp ý kiến tại MSEAP 3, trong nhiều năm trở lại đây, Quốc hội Việt Nam đều chủ chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương; tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước, vì lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích khu vực. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: |
"Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương là định hướng chiến lược quan trọng đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Tăng cường phối hợp các kênh đối ngoại cùng với ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng và đối ngoại Quốc hội trọng tâm là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN các đối tác chiến và các nước bạn bè truyền thống. bên cạnh đó cần phối hợp để hình thành thế hệ mới bạn bè, những đối tác quan tâm và gắn kết với Việt Nam|.
Quốc hội Việt Nam có quan hệ song phương sâu rộng với nghị viện của nhiều quốc gia và là thành viên tích cực của các tổ chức nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF)…
Với sự tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động ngoại giao nghị viện trên thế giới và khu vực, mới đây nhất là tham gia Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu (MSEAP), Quốc hội Việt Nam góp phần vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng chung trên thế giới.