Cách thức mới thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông

(VOV5)- Nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine được xem như một cách thức để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.

Quốc hội Pháp mới đây chính thức thông qua nghị quyết công nhận Palestine là quốc gia độc lập. Như vậy, tiếp sau Thụy Điển, Anh, Ireland, Tây Ban Nha, Pháp là quốc gia Tây Âu thứ 5 ủng hộ Palestine thành lập một Nhà nước của riêng mình. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine lâm vào bế tắc, ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine được xem như một cách thức để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. 

Với 339 phiếu thuận, 151 phiếu chống và 16 phiếu trắng, Quốc hội Pháp hôm 2/12 đã thông qua nghị quyết đề nghị Chính phủ Pháp công nhận Nhà nước Palestine nhằm đạt được giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel, vốn kéo dài nhiều thập kỷ qua. Dù mang tính biểu tương và không có tác động ngay lập tức tới chiến lược ngoại giao của Pháp, song sự kiện này một lần nữa cho thấy sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng của Châu Âu nói riêng, thế giới nói chung với một tiến trình hòa bình đang bị ngưng trệ.


Cách thức mới thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông - ảnh 1
Quốc hội Pháp biểu quyết công nhận Nhà nước Palestine (Ảnh EPA)

Cộng đồng quốc tế chung tay hành động vì nền hòa bình

Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã nhấn mạnh tình trạng hiện nay ở dải Gaza vẫn chưa hướng đến tiến trình hòa bình do đó Pháp muốn công nhận một nhà nước Palestine độc lập mà không cần thông qua đàm phán. Trước đó, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) bà Federica Mogherini, trong chuyến thăm dải Gaza cũng đã tỏ rõ quan điểm rằng không chỉ người dân ở Gaza mà cả thế giới đều không muốn cuộc chiến tiếp diễn ở vùng đất này. Đã đến lúc thế giới không chỉ ngồi chờ mà cần phải hành động nếu không tình trạng xung đột sẽ kéo dài thêm 40 năm nữa. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon thừa nhận, thất bại trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Israel-Palestine đã khiến nhiều chính phủ và quốc hội các nước hành động để công nhận Nhà nước Palestine.

Từ khi Hiệp định Oslo được ký kết cách đây 20 năm, cho đến nay, mọi nỗ lực hòa bình trong khu vực đều kết thúc mà không đạt kết quả nào. Sau thất bại của sáng kiến tháng 4/2014 do Mỹ bảo trợ với rất nhiều nỗ lực, tình hình gần như bị đóng băng hoàn toàn. Chính vì sự “tê liệt” này mà cộng đồng quốc tế dường như đạt được nhận thức chung rằng hiện nay hy vọng về một nền hòa bình ở Trung Đông đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Tình trạng đối thoại đơn độc đã chứng tỏ là một phương pháp không hiệu quả và thế giới có nghĩa vụ phải hành động.

Cách tiếp cận mới thúc đẩy giải pháp hai nhà nước

Từ trước đến nay, chính quyền Palestine luôn nỗ lực tìm kiếm tư cách Nhà nước đối với Bờ Tây và Dải Gaza, đồng thời muốn đặt thủ đô ở Đông Jerusalem. Vào năm 2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chấp nhận vai trò “nhà nước quan sát phi thành viên” của Palestine. Từ 2012 đến nay, trong khi hầu hết các nước đang phát triển đều công nhận Nhà nước Palestine, thì các nước Tây Âu, vốn ủng hộ Mỹ, lại cho rằng một nhà nước Palestine độc lập cần phải được xây dựng dựa trên các cuộc đàm phán hòa bình với Israel. Tuy nhiên, sau những nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm khôi phục các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine rơi vào thất bại, các nước châu Âu đang ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với các chính sách của Israel. Cùng với 7 quốc gia thuộc EU tại Đông Âu là Bulgaria, Cộng hòa Cyprus, Czech, Hungary, Malta, Ba Lan và Romania công nhận nhà nước Palestine, việc 5 nước Tây Âu thay đổi quan điểm ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine cho thấy cảm giác thất vọng lớn dần trước thất bại của tiến trình hòa bình và không có lựa chọn nào khác là cần phải tỏ ra quyết đoán hơn.

Hiện tại, Pháp đang xem xét đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết mở đường cho việc giải quyết xung đột Israel-Palestine trong thời hạn 2 năm. Cụ thể, nước này sẽ đề xuất tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông, huy động các thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước EU cũng như các nước thuộc Liên đoàn Arab, tham gia. Tinh thần vẫn là hướng tới một nền hòa bình lâu dài dựa trên sự tồn tại của hai nhà nước có chủ quyền và dân chủ, chung sống trong hòa bình và an ninh, dựa trên các đường biên giới đã hoạch định năm 1967.

Rõ ràng, danh sách các quốc gia công nhận Nhà nước Palestine đang tiếp tục được nối dài đã đem đến những tín hiệu đáng mừng cho một vấn đề tồn tại dai dẳng nhiều năm trong đời sống chính trị - an ninh quốc tế. Xung đột kéo dài ở khu vực Trung Đông không chỉ khiến người dân nơi đây trở thành những nạn nhân cùng cực nhất trên thế giới mà còn ảnh tới an ninh của toàn khu vực. Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, chắc chắn giờ đây buộc phải tìm cách tiếp cận khác cho vấn đề xung đột Jerusalem-Ramallah. Tương tự, việc ủng hộ Nhà nước Palestine của các quốc gia Châu Âu, bước đầu có thể là chỉ mang tính biểu tượng, song lại mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó cho thấy, một khi những nỗ lực đàm phán hòa giải bị những chính sách thù địch, thiếu thiện chí hủy hoại thì sức ép của cả cộng đồng quốc lại là phương pháp hữu hiệu để tiến trình hòa bình ở Trung Đông đến đích./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác