Cải cách tiền lương công chức nhằm đảm bảo an sinh xã hội

Cải cách tiền lương công chức nhằm đảm bảo an sinh xã hội - ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


(VOV5) - Hoàn thiện Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong năm nay nhằm đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ đã đề ra. Việc cải cách tiền lương được thực hiện theo hướng chuyển từ hệ thống trả lương thấp sang hệ thống tiền lương thực trả, phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Theo đánh giá, đây sẽ là một trong những chính sách kinh tế xã hội cơ bản và đặc biệt quan trọng của quốc gia.

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách chính sách tiền lương. Trong vòng 10 năm trở lại đây, lương tối thiểu đã được điều chỉnh tới 8 lần. Mức lương tối thiểu đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua. Việc điều chỉnh này dựa trên mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế, nếu tính tới chỉ số lạm phát và giá cả tiêu dùng thì lương tối thiểu thực tế tăng rất thấp. Nếu so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua và so với yêu cầu xem tiền lương là một khoản đầu tư để phát triển nguồn nhân lực thì tốc độ tăng lương như vậy rõ ràng là chưa hợp lý. Mức lương thấp sẽ dẫn đến tình trạng khó thu hút được người có tài năng, chưa tạo ra động lực cho cán bộ, công chức tận tâm, gắn bó với công việc, nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao và nhất là góp phần chống tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy cơ quan công quyền.

Trước thực trạng này, Bộ lao động thương binh xã hội Việt Nam đang hoàn thiện Đề án cải cách tiền lương công chức giai đoạn 2012-2020, theo đó coi việc cải cách chính sách tiền lương là quyết tâm chính trị và tư duy chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Nếu như hiện nay, hệ thống trả lương trong khu vực hành chính- sự nghiệp là hệ thống trả lương mang nặng tính bao cấp, mức lương được xác định qua bằng cấp và thâm niên thì theo đề án cải cách này, các yếu tố như năng lực, kết quả, hiệu quả công việc, khả năng sáng tạo, tinh thần thái độ... chắc chắn sẽ phải được tính đến. Theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tiền lương phải là một động lực chủ yếu để công chức gắn bó với cơ quan nhà nước, tận tụy với công vụ và coi trả lương đúng mức cho công chức là đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên cũng cần phải phân loại cán bộ, công chức cho phù hợp để có chế độ lương, đãi ngộ đúng. Ông Lợi nhấn mạnh: Xác định tiền lương phải đúng với giá trị lao động của cán bộ công chức viên chức nhà nước. Phải xác định rõ đâu là cán bộ công chức viên chức nhà nước rồi xác định lương trong khả năng kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, nếu không sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, vấn đề biên chế hiện nay, để cho chất lượng của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức được đảm bảo theo giá trị thì sẽ không giải quyết được vấn đề tiền lương.

Bên cạnh việc xây dựng thang bảng lương đúng với giá trị lao động của cán bộ công chức viên chức nhà nước, đề án cũng tập trung cải cách mạnh mẽ cơ chế tạo nguồn tiền lương. Thời gian qua, ngân sách nhà nước là nguồn kinh phí lớn nhất quyết định đến việc cải cách tiền lương, tuy nhiên ngân sách này là có hạn, vì vậy tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương trong 10 năm tới là điều hết sức cần thiết. Để cải cách nguồn tiền lương, bên cạnh việc cần thiết phải quản lý chặt và giảm đến mức tối đa đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa khu vực sự nghiệp dịch vụ công nhằm giảm dần tỷ trọng chi từ ngân sách nhà nước cho khu vực này thì một vấn đề quan trọng nữa là phải đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công. Theo ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ nội vụ, đây là giải pháp quan trọng để tạo nguồn cải cách tiền lương. Ông Đoàn Cường cho rằng: Để giải quyết được bài toán tạo nguồn cải cách tiền lương cần phải đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp, phải làm sao cho các đơn vị sự nghiệp có cơ chế thông thoáng, tự phát triển, có điều kiện, có nguồn thu nhập, trả lương cho cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị và như vậy gánh nặng của nhà nước sẽ bớt đi. Bởi nếu cứ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì sẽ không giải quyết được vấn đề.

Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020 dự kiến sẽ được trình lên Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 4 tới. Bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện khoa học lao động, Bộ lao động thương binh xã hội VN, khẳng định: Năm 2011, Việt Nam đã thực hiện được việc tách hệ thống tiền lương tối thiểu của khu vực thị trường, đến năm 2012 chúng ta tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh này để làm sao cho mức tiền lương của đội ngũ công chức được cải thiện. Từ năm 2012-2015 là thời kỳ cải cách rất lớn trong lĩnh vực về chính sách đối với hệ thống công chức làm công ăn lương, để làm sao quyết tâm đến năm 2015 bảo đảm mức sống tối thiểu cho cán bộ, công chức. 

Tiền lương phải là một động lực chủ yếu để công chức gắn bó với cơ quan nhà nước, tận tụy với công vụ, có điều kiện thăng tiến dựa vào tài năng, trí tuệ của chính mình, không cần tham nhũng và không thể tham nhũng. Đây chính là tinh thần mà Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020 hướng tới. Chính sách tiền lương đối với cán bộ viên chức là một trong những chính sách kinh tế xã hội cơ bản và đặc biệt quan trọng của quốc gia. Hệ lụy của nó đối với nền kinh tế xã hội là rất lớn, bởi nếu cán bộ công chức không đủ sống bằng lương sẽ là một tai họa lớn, phá hỏng nền hành chính công vụ nhà nước. Cải cách chính sách tiền lương sẽ tránh được tình trạng cán bộ, công chức, viên chức làm việc một cách vô cảm, vô trách nhiệm trong bộ máy công quyền, tạo sự đồng thuận để xã hội phát triển./.

Phản hồi

nguyễn công viên

1. Lương sự nghiệp lấy từ ngân sách, tiền thuế nhà nước mà chi tiền thuế thấp thì lương thấp là đúng thôi, các nước người ta thu thuế tương... Xem thêm

Lê Trang Chí Lin

Thực sự để cải cách tiền lương trong giai đoạn 2012 -2020 là một vấn đề khó, có thể chỉ dự thảo để khích lệ tinh thần của công chức, viên chức. Để... Xem thêm

Các tin/bài khác