(VOV5) - Thực tế trên cho thấy có vẻ như Mỹ đang tìm mọi cách để gây sức ép buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân...
Mặc dù cuộc tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia ngày 14/9 đã được nhóm phiến quân Houthi ở Yemen thừa nhận là thủ phạm song mọi sự chú ý của dư luận quốc tế lại đang đổ dồn về Iran sau khi Mỹ và một số đồng minh ở Trung Đông khăng khăng đổ lỗi cho Iran. Tình hình trở nên nóng hơn khi Tổng thống Mỹ ngày 18/9 ra lệnh "tăng mạnh trừng phạt" Iran trong khi quốc gia Hồi giáo này khẳng định sẽ đáp trả thích đáng mọi hành động gây hấn. Thực tế trên cho thấy có vẻ như Mỹ đang tìm mọi cách để gây sức ép buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân nhưng điều này chưa bao giờ dễ dàng.
Phiến quân Houthi ở Yemen cho biết họ đã phóng các máy bay không người lái (UAV) nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu Abqaiq (cơ sở sản xuất dầu lớn nhất thế giới) và Khurais ở miền đông Saudi Arabia để trả đũa các cuộc không kích của liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu trong một cuộc chiến kéo dài 5 năm ở Yemen. Tuy nhiên, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen nói rằng 2 nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia có thể bị tấn công "bằng vũ khí đến từ Iran". Người phát ngôn liên minh này khẳng định các cuộc tấn công "không xuất phát từ lãnh thổ Yemen" và phiến quân Houthi đang giả vờ nhận trách nhiệm.
Dồn dập các cáo buộc
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, các cộng sự và đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đều cáo buộc Iran là thủ phạm. Họ cho rằng không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công bắt nguồn từ Yemen và khẳng định cuộc tấn công có sự trợ giúp từ Iran. Trong 1 phản ứng rất nhanh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lập tức bay tới Saudi Arabia để thảo luận về khả năng trả đũa, cho dù trên chuyên cơ ông Mike Pompeo thừa nhận với truyền thông rằng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các cuộc tấn công đã được phát động từ Iran. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper thì nói rằng Mỹ cùng các đồng minh nước này đang phối hợp để bảo vệ "trật tự dựa trên các quy định quốc tế vốn đang bị Iran làm xói mòn". Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump ra lệnh cho Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin "tăng mạnh các trừng phạt" Iran. Ông Trump còn cho biết “Mỹ có rất nhiều lựa chọn. Có lựa chọn tối đa và có những lựa chọn khác ít hơn thế. Lựa chọn tối đa có nghĩa là bước vào một cuộc chiến". Cùng thời điểm với các phát ngôn từ Nhà Trắng, chính quyền Saudi Arabia đã công bố những mảnh vỡ tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công hai cơ sở lọc dầu mà theo họ là các mảnh vỡ từ tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Iran.
Tất cả các diễn biến này gợi lại “kịch bản” quen thuộc cách đây khoảng 3 tháng, khi hai tàu chở dầu quốc tế bị tấn công trên vùng biển gần eo biển chiến lược Hormuz. Khi đó, Mỹ cũng ngay lập tức cáo buộc Iran là thủ phạm và đưa ra các bằng chứng cho cáo buộc của mình.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif phủ nhận vai trò của Iran trong vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia và không quên khẳng định rằng trong bối cảnh Washington thất bại trong chiến lược “sức ép tối đa”, Mỹ đang chuyển sang chiến lược “lừa dối tối đa”. Iran đồng thời cảnh báo sẽ lập tức đáp trả mọi động thái của Mỹ chống lại Iran.
Ép Iran quay trở lại bàn đàm phán
Dư luận quốc tế bấy lâu nay không lạ gì với chiến thuật gây sức ép của Mỹ để buộc Iran quay trở lại đàm phán hạt nhân cho nên trong vụ việc này, nhiều quốc gia yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra khách quan và kỹ lưỡng. Liên hợp quốc cũng cử các chuyên gia dự kiến sẽ tới Saudi Arabia để bắt đầu một cuộc điều tra quốc tế đối với các vụ tấn công theo khuôn khổ của một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran và một nghị quyết khác về cấm vận vũ khí đối với Yemen. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới không thể tồn tại nếu xảy ra xung đột lớn ở vùng Vịnh. Ông nhấn mạnh việc cần thiết phải tránh bất cứ hành động làm leo thang tình hình.
Căng thẳng Mỹ - Iran tái bùng phát kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và các cường quốc năm 2015 vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ. Từ đó, Mỹ dần tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ.
Qua việc cáo buộc Iran có liên quan đến vụ tấn công 2 nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia một lần nữa cho thấy Mỹ đang gây "sức ép tối đa" với Iran nhằm mục đích cuối cùng là một thỏa thuận hạt nhân mới. Và có lẽ các cáo buộc liên quan sẽ vẫn tiếp tục diễn ra cho tới khi các bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán hoặc tồi tệ hơn là xảy ra một cuộc xung đột ở phạm vi toàn khu vực.