Cần khách quan khi đánh giá tình hình tôn giáo ở Việt Nam

(VOV5) -  Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế 2014 của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cho rằng Việt Nam kiểm soát hoạt động tôn giáo bằng luật và giám sát hành chính, hạn chế nghiêm ngặt hoạt động tôn giáo độc lập và đàn áp các cá nhân và nhóm tôn giáo. Đây là những thông tin trái ngược với thực tế tự do sinh động của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.


Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế 2014 do Bộ Ngoại giao Hoa kỳ công bố ngày 14-10 dẫn những thông tin sai lệch cho rằng Việt Nam hạn chế quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và kiến nghị Chính phủ Hoa kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC). Việc làm này của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ là không khách quan, đi ngược lại xu hướng phát triển tích cực của mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ.


Cần khách quan khi đánh giá tình hình tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 1
Đoàn công tác Ban Tôn giáo Chính phủ cùng đại diện chức sắc các tôn giáo thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tháng 4-2012. (Nguồn: btgcp.gov.vn)

Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế 2014 của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cho rằng Việt Nam kiểm soát hoạt động tôn giáo bằng luật và giám sát hành chính, hạn chế nghiêm ngặt hoạt động tôn giáo độc lập và đàn áp các cá nhân và nhóm tôn giáo. Đây là những thông tin trái ngược với thực tế tự do sinh động của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định bằng luật pháp

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc. Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định quan điểm này trên tinh thần luật pháp, cho rằng: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc”. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định rõ trong điều 24, rằng: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.Việt Nam đã có Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; Nghị định Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo;  Nghị định Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng,Tôn giáo, Chỉ thị về một số công tác đối với đạo Tin lành. Từ những quan điểm, chính sách và hệ thống các văn bản pháp luật trên, có thể khẳng định quyền tự do Tín ngưỡng,Tôn giáo ở Việt Nam được Đảng, Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo hộ; từ đó, đã làm thay đổi căn bản đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Được đảm bảo trên thực tế

Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống Tín ngưỡng. Hiện nay, Việt Nam có 13 tôn giáo, với gần 24 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Bên cạnh đó, còn có hàng chục tổ chức Tín ngưỡng, Tôn giáo khác đang tồn tại và đang trong quá trình đăng ký hoạt động. Sinh hoạt Tín ngưỡng,Tôn giáo ở Việt Nam ngày càng sôi động và đang có chiều hướng gia tăng. Trên thực tế, các hoạt động hành giáo ở Việt Nam diễn ra sôi động gắn với đời sống sinh hoạt xã hội. Hằng năm, có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì, mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo ở Mỹ, Pháp, Italia, Ấn Ðộ.... Đại diện chức sắc các tôn giáo Việt Nam đã tham gia đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý và giáo luật tại các diễn đàn lớn như Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Việt Nam cũng đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc vào các năm 2008, 2014 và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới vào năm 2010... Việt Nam cũng có quan hệ với Vatican kể từ năm 1989. Trên cơ sở mối quan hệ này, Vatican đã cử Ðại diện không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011 và đến nay đặc phái viên không thường trú của Vatican đã thực hiện 20 chuyến thăm tới 60/63 tỉnh và thành phố ở Việt Nam.Thực tiễn đã trả lời cho câu hỏi nếu Việt Nam hạn chế tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì các tổ chức tôn giáo có thể xác lập được vị trí, phát triển ổn định và các tôn giáo ở Việt Nam có thể hội nhập toàn cầu như hiện nay.

Đi ngược lại mối quan hệ tích cực Việt Nam - Hoa kỳ

Những khuôn khổ pháp lý rõ ràng và thực tế sinh động về tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo của Việt Nam nói trên là minh chứng rõ ràng cho thấy Báo cáo Tự do Tôn giáo 2014 của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã trích dẫn những thông tin không đúng sự thật về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam. Cho đến nay, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có bước phát triển vượt bậc, vững chắc về nhiều mặt từ kinh tế, thương mại, xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh, đến khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh… Sự hợp tác này đòi hỏi hai bên cùng gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt vì lợi ích của nhân dân hai nước. Muốn làm được điều đó, các bên cần xây dựng lòng tin và tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Phản hồi

Các tin/bài khác