Cần trung thực, bình đẳng trong đối thoại về nhân quyền
Thu Hoa -  
(VOV5) - Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 17 hôm nay diễn ra tại Hà Nội. Những cuộc đối thoại nhân quyền tương tự đã được cơ quan chức năng hai nước tổ chức từ nhiều năm nay, mục đích là tăng cường hiểu biết về nhân quyền, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa kỳ. Đáng tiếc là trước khi diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền lần này, Hạ viện Mỹ đã mở phiên điều trần, với lý do là tham khảo các ý kiến quan sát độc lập về thực trạng và hồ sơ nhân quyền Việt Nam. Việc làm này giống như một màn kịch vụng về của các tổ chức, cá nhân không có thiện chí, dùng chiêu bài “nhân quyền” để chống phá Việt Nam.
|
Nhân quyền luôn được coi trọng tại Việt Nam (Ảnh minh họa - nguồn: internet) |
Nếu đúng với mục đích là tham khảo các ý kiến quan sát độc lập về vấn đề nhân quyền Việt Nam thì thành phần tham dự cuộc điều trần do Hạ viện Mỹ tổ chức ngày 11/4/2013 tại Washington, phải là các nhà hoạt động, đại diện các tổ chức, cá nhân theo dõi nhân quyền có hiểu biết và trách nhiệm, đặc biệt là phải bảo đảm được tính vô tư, khách quan và độc lập. Nhưng trong thực tế tại cuộc điều trần, lại là các gương mặt đã có thành tích về việc chống phá, xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, điển hình như Võ Văn Ái, người chuyên câu kết với các đối tượng cơ hội chính trị trong nước và các phần tử phản động, lợi dụng tôn giáo, dân chủ và nhân quyền để kích động chống phá Việt Nam. Hoặc John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch, người luôn cố tình bôi nhọ tình hình nhân quyền ở Việt Nam từ các vụ án mà bị can, bị cáo là người vi phạm pháp luật. Một người khác, là Trần Tiến, được gọi là “nạn nhân nhân quyền”, thực chất chính là người có hành vi phạm pháp, từng bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam trong vụ gây rối ở Cồn Dầu, Đà Nẵng. Rõ ràng là, phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ không thể có kết quả là thu được những “ ý kiến quan sát độc lập”, vì những người tham dự đã từng cố tình xuyên tạc thực tế nhân quyền Việt Nam.
Một điểm đáng nói nữa là Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, tổ chức nhiều lần cái gọi là “phiên điều trần” về vấn đề nhân quyền Việt Nam, đã phần nào cho thấy tính phi khách quan về vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ở chỗ trước thềm “phiên điều trần”, ông Christ Smith, Chủ tịch Tiểu ban nhân quyền của Uỷ ban Đối ngoại, Hạ viện Mỹ, cho biết “phiên điều trần” sẽ nhấn mạnh đến những vi phạm về nhân quyền mà Việt Nam đã tiến hành, đặc biệt là các quyền tự do tôn giáo và sắc tộc. Ông Smith còn thêm rằng các “nhân chứng đặc biệt” sẽ cung cấp cái gọi là “bằng chứng thuyết phục” để Bộ Ngoại giao Mỹ đặt vấn đề một cách quyết liệt hơn về vấn đề nhân quyền của Việt Nam trong cuộc đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ diễn ra một ngày sau đó, tức là vào ngày 12-4-2013. Rõ ràng là với những chủ ý mang tính quy chụp tiêu cực của người chủ trì như trên, “phiên điều trần” không nhằm đạt được kết quả là thu lấy “những ý kiến quan sát độc lập” như đã thông báo, mà chỉ là sự “muốn gia tăng quan tâm” đến nhân quyền Việt Nam, vì một mục đích khác, không ngoài việc sử dụng chiêu bài nhân quyền để phục vụ cho mưu đồ chống phá Việt Nam.
Nhân quyền là vấn đề lớn mang tính nhân văn xã hội mà con người luôn hướng tới để thực hiện một cách đầy đủ hơn. Nhận thức rõ điều này, cả Hoa kỳ và Việt Nam, kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1995 đến nay, đã tổ chức 16 phiên đối thoại và đang tiến hành phiên đối thoại thứ 17 về vấn đề nhân quyền. Tại các phiên đối thoại này, Hoa kỳ và Việt Nam thường trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mỗi bên quan tâm trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Không chỉ phía Mỹ bày tỏ những ưu tư liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, mà ngay cả Việt Nam cũng nêu lên các quan ngại về vấn đề nhân quyền tại Mỹ. Điển hình như tại phiên đối thoại về nhân quyền Việt Nam - Hoa kỳ lần thứ 16, ngày 10/11/2011 tại Wasington, Việt Nam đã thẳng thắn nêu những tồn tại trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền và tự do của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực tra tấn và đối xử ngược đãi tù nhân, vấn đề phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử đối với các nhóm thiểu số, nhập cư ở Mỹ. Tất cả các vòng đối thoại nhân quyền Việt Nam và Mỹ từ trước đến nay diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, cởi mở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nhằm thu hẹp những bất đồng, gia tăng hiểu biết về vấn đề nhân quyền ở mỗi nước.
Như vậy, đối thoại là cần thiết và từ trước đến nay luôn là dòng chảy chính trong việc thu hẹp những khác biệt về nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa kỳ, được các cơ quan chức năng hai nước tiến hành nghiêm túc trong nhiều năm qua, nhằm tiến tới xây dựng khuôn khổ quan hệ "Đối tác xây dựng, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi" giữa Việt Nam và Hoa kỳ. Và vì thế, dẫu các tổ chức, cá nhân không thiện chí với Việt Nam có cố tình xuyên tạc vấn đề nhân quyền của Việt Nam đến đâu, nỗ lực tổ chức những sự kiện theo kiểu “ điều trần”, để “gia tăng quan tâm đến Việt Nam” đến đâu đi chăng nữa, cũng khó có thể làm thay đổi dòng đối thoại phù hợp với lợi ích của hai quốc gia và nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ đang mạnh mẽ tuôn chảy này./.
Thu Hoa