(VOV5) - Bất đồng trong những vấn đề cơ bản đối với người Hồi giáo hành hương về thánh địa Mecca một lần nữa gây căng thẳng trong quan hệ Iran và Saudi Arabia. Chính phủ Iran mới đây tuyên bố người dân nước này không tham gia cuộc hành hương về Thánh địa linh thiêng ở Saudi Arabia, bắt đầu từ tháng 6. Động thái này như đổ thêm lửa vào mối quan hệ vốn đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất giữa hai quốc gia Trung Đông.
|
Biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Đây là lần đầu tiên trong 30 năm không có người hành hương từ Iran, quốc gia có cộng đồng Hồi giáo dòng Shia lớn nhất thế giới, tới Mecca. Nguyên nhân của sự việc này là do hai bên không đạt được thỏa thuận nào về việc tạo điều kiện cho người hành hương từ Iran về Thánh địa.
Tranh cãi không có hồi kết về vấn đề người hành hương
Một phái đoàn của Iran đã kết thúc chuyến thăm Saudi Arabia ngày 27/5 mà không đạt thỏa thuận cuối cùng về việc tạo điều kiện cho người hành hương từ Iran về Thánh địa Mecca. Bộ Ngoại giao Iran cho rằng những trở ngại từ phía Saudi Arabia liên quan các vấn đề cơ bản đối với người hành hương Iran bao gồm quá cảnh, an toàn và cấp thị thực. Tehran cáo buộc Riyadh theo đuổi các chính sách làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Tổ chức Hajj (Hành hương) của Iran tuyên bố Saudi Arabia đang chống lại quyền linh thiêng của người dân Iran thực hiện Hajj và chặn đường đến với Thượng đế. Trong khi đó, phía Saudi Arabia khẳng định những điều kiện mà Tehran đưa ra không thể chấp nhận được và cáo buộc Iran chính trị hóa cuộc hành hương cũng như phải chịu trách nhiệm về việc cấm công dân tham gia mùa hành hương năm nay.
Sở dĩ phía Iran đưa ra yêu cầu trên đối với Saudi Arabia là do năm ngoái trong số hàng chục nghìn người Iran đến Mecca thì 464 người đã thiệt mạng sau các vụ dẫm đạp. Tehran đã tố cáo Saudi Arabia không thể hoặc hoặc tắc trách trong công tác bảo đảm an toàn.
Cuộc đàm phán ngày 27/5 vừa qua là nỗ lực lần thứ hai của hai nước để đạt thỏa thuận về việc tổ chức lễ hành hương năm nay cho người Hồi giáo Iran. Cuộc thương lượng trước diễn ra hồi tháng 4 tại Saudi Arabia đã không thành công.
Mối quan hệ thăng trầm trong lịch sử
Bất đồng trong việc đảm bảo điều kiện hành hương năm nay của người Hồi giáo Iran không phải là căn nguyên dẫn đến mối quan hệ bất hòa giữa 2 quốc gia Trung Đông này. Từ trước đến nay, quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia luôn trong tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" do mâu thuẫn trong quan niệm tôn giáo cũng như cách tiếp cận trong nhiều vấn đề quốc tế. Về tôn giáo, đa số người dân Iran theo Hồi giáo dòng Shiite, trong khi đa số dân Saudi Arabia lại theo Hồi giáo dòng Sunni. Sự khác nhau giữa hai chi phái lớn nhất trong Hồi giáo khiến Iran và Saudi Arabia luôn đứng về hai phía trong các vấn đề của khu vực như cuộc khủng hoảng tại Syria hay tại Yemen. Saudi Arabia ủng hộ các đồng minh người Sunni tiến hành những cuộc xung đột từ Yemen tới Lebanon để chống lại người Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn. Trên chiến trường Syria, Saudi Arabia là một trong những nước kiên quyết nhất trong yêu cầu đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi, trong khi Iran ủng hộ vị Tổng thống này. Chính vì vậy Tehran lên tiếng cáo buộc Riyadh đang chống lưng cho “khủng bố”. Saudi Arabia cũng lớn tiếng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 để kết thúc lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế đổi lại hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Mâu thuẫn giữa 2 quốc gia đạt đỉnh điểm khi Riyadh cắt đứt quan hệ với Tehran hôm 3/1/2016, động thái này đánh dấu cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước kể từ những năm 1980. Trước đó, hàng nghìn người Iran quá khích cũng đã bao vây, đập phá, ném bom xăng vào Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran để phản đối vụ xử tử giáo sĩ dòng Shia (hay Shiite) Sheikh Nimr al-Nimr. Cũng vào đầu năm 2016, Saudi Arabia cấm hàng không dân dụng Iran bay vào không phận Saudi Arabia và không cấp thị thực cho người Hồi giáo Iran.
Rõ ràng, nhìn vào lịch sử, quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia chưa bao giờ hết mâu thuẫn. Việc Iran cấm người dân hành hương đến Thánh địa Mecca càng khiến những bất đồng giữa 2 quốc gia Trung Đông trở nên khó giải quyết, sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến cuộc chiến chống lực lượng nhà nước Hồi giáo ( IS) tự xưng và sự ổn định tại khu vực vốn đầy bất ổn này.