(VOV5) - Căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này không dễ tháo gỡ.
Trong một động thái nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/6, tiếp tục công bố các kế hoạch áp mức thuế 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá tới 200 tỷ USD, nhằm đáp trả động thái tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ của Bắc Kinh.
Diễn biến mới này cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này không dễ tháo gỡ cho dù lãnh đạo 2 bên trước đó đã thở phào vì tránh được cuộc chiến thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. - Ảnh: AFP |
Tuyên bố sáng 19/6 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump khẳng định cần phải có hành động tiếp theo để khuyến khích Trung Quốc thay đổi các quy định không công bằng, mở cửa thị trường đối với hàng hóa Mỹ và chấp nhận một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump cho biết ông đã ra lệnh cho Đại diện Thương mại Mỹ xác định những mặt hàng Trung Quốc phải chịu mức thuế mới. Theo ông, đây là hành động đáp trả việc Trung Quốc tăng thuế đối với lượng hàng Mỹ trị giá 50 tỷ USD.
Những hành động trái ngược
Gần 1 tháng trước, quan chức thương mại 2 nước sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng tại cả Bắc Kinh lẫn Washington, đã ra Tuyên bố chung khẳng định hai bên nhất trí sự cần thiết thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm đáng kể mức thâm hụt thương mại hàng năm hơn 300 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc. 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tìm cách giải quyết các lo ngại về kinh tế và thương mại theo cách thức chủ động. Giới chức 2 nước nói riêng và thế giới nói chung đã thở phào sau tuyên bố trên song mọi chuyện diễn ra sau đó lại không như kỳ vọng.
Chỉ 1 tuần sau khi Tuyên bố được thông qua, hôm 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bất ngờ tuyên bố sẽ áp đặt thuế trừng phạt 50 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào công nghiệp công nghệ cao của Mỹ, bao gồm những công nghệ liên quan tới chiến lược “Made in China 2025”, một chính sách của Chính phủ Trung Quốc nhằm trợ giúp phát triển các công nghệ chiến lược trong nước.
Tiếp đó, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc điều tra đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với cáo buộc các nhà sản xuất bồn chứa propan bằng thép bán phá giá và nhận trợ cấp không công bằng. Washington khẳng định những hành động nói trên là một phần của các bước đi bảo vệ công nghệ nội địa và tài sản trí tuệ khỏi một số hành vi phân biệt đối xử và gây gánh nặng về thương mại nhất định của Trung Quốc.
Tất nhiên Trung Quốc không thể ngồi im trước những động thái lấn lướt của Hoa Kỳ và cũng đưa ra tuyên bố áp thuế với tổng trị giá 50 tỷ USD, trong đó chủ yếu là mặt hàng nông sản, cá và phương tiện giao thông của Mỹ.
Xét một cách tổng thể, việc giới chức Mỹ phá vỡ sự đồng thuận mà hai bên đạt được tại Washington hồi cuối tháng 5 vừa qua gây bất ngờ cho Trung Quốc cũng như giới đầu tư quốc tế. Trung Quốc bối rối không biết chính sách của Mỹ như thế nào. Còn giới phân tích thì nhận định rằng đang tồn tại mâu thuẫn trên chính trường Mỹ về cách "ứng xử" với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.
Giới đầu tư 2 nước lo ngại
Trên thực tế, do bản chất hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau nên không có nhiều cách thức để Mỹ ngăn cản Trung Quốc mà không gây tổn thương cho chính Mỹ. Tập đoàn Cargill, công ty tư nhân lớn nhất của Mỹ chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đã kêu gọi Washington và Bắc Kinh đối thoại để các doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng sẽ không bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại. Người phát ngôn tập đoàn Archer Daniels Midland về kinh doanh nông sản cũng bày tỏ hai nước nên theo đuổi đối thoại song phương, nhấn mạnh Trung Quốc vẫn "tiếp tục là một thị trường xuất khẩu quan trọng của nông sản Mỹ".
Trong khi đó, một số công ty lớn của Mỹ như Boeing bắt đầu đánh giá những tác động từ các biện pháp thuế của Trung Quốc. Boeing đã thu về khoảng 12,8% trong tổng doanh thu năm 2017 từ Trung Quốc và là một trong những công ty đa quốc gia Mỹ dễ bị tổn thương nhất trước một cuộc chiến thương mại "tổng lực".
Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) cũng cảnh báo những biện pháp đáp trả của Trung Quốc có thể đe dọa nông dân Mỹ và các nhà sản xuất dệt may cũng như tăng chi phí cho chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp này. Chủ tịch AAFA Rick Helfenbein cho rằng Quốc hội cần vào cuộc để chấm dứt "nỗi ám ảnh nguy hiểm này".
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết tâm thiết lập lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, sao cho có một mối quan hệ bình đẳng và có đi có lại. Biện pháp được ông Trump sử dụng là chính sách thuế. Tuy nhiên cho đến nay, biện pháp này vẫn chưa ghi nhận được những biến chuyển từ Trung Quốc. Bởi vậy đây có vẻ không phải cách tiếp cận hiệu quả nhất cho vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Do đó, để giải quyết vấn đề này, cả Mỹ và Trung Quốc cần mở ra không gian cho các cuộc đàm phán thương mại để tìm ra giải pháp có thể hỗ trợ cho mục tiêu của mỗi bên.