(VOV5) -Bất đồng thương mại Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn nóng bỏng, mối quan hệ lạnh lẽo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong vài tuần qua khiến các nhà kinh tế lo ngại.
Mâu thuẫn Hàn - Nhật đã leo thang trở thành một “cuộc chiến toàn diện” và sự đối đầu giữa hai nước được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Từ hạn chế xuất khẩu công nghệ, mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang lan sang lĩnh vực tiêu dùng và du lịch. Thực trạng này khiến dư luận quan ngại về tác động của nó tới kinh tế khu vực.
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo gia tăng căng thẳng kể từ khi Nhật Bản hồi tháng trước siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình. Seoul cho rằng đây là động thái trả đũa của Tokyo trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 -1945.
Ảnh minh họa/ TTXVN |
Có nguy cơ lan sang các lĩnh vực khác
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng, ngày 2/8 vừa qua, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê chuẩn loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy. Theo đó, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc phải trình chính phủ phê duyệt từng đơn hàng. Tokyo cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định các đơn hàng xuất khẩu.
Trước động thái của Tokyo, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu triển khai đối phó toàn diện với Nhật Bản. Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố Seoul quyết “không chịu thua” Tokyo một lần nữa. Nếu Nhật Bản cố ý gây thiệt hại cho nền kinh tế Hàn Quốc, nước này cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại tương ứng. Và ngay trong ngày 2/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki tuyên bố biết nước này cũng sẽ loại Nhật Bản ra khỏi "Danh sách Trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy của Hàn Quốc. Seoul cũng quyết định sẽ khởi kiện Nhật Bản lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, Phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẽ xem xét việc hủy bỏ Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật. Và để tránh phụ thuộc vật liệu vào Nhật bản, Hàn Quốc sẽ đầu tư gần 6,5 tỷ USD vào 100 mặt hàng chiến lược quan trọng để đảm bảo nguồn cung ổn định trước năm 2024.
Những diễn biến thời gian gần đây gây nên làn sóng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm có xuất xứ từ đất nước Mặt trời mọc, từ những thương hiệu thời trang tới chuỗi cửa hàng mỳ ramen, mỹ phẩm, bia và cả du lịch. Người dân Hàn Quốc đang chuyển sang đi du lịch các nước ở khu vực Đông Nam Á thay vì đến Nhật Bản. Xu thế giảm không chỉ đối với các chuyến bay tới thủ đô Tokyo, mà cũng diễn biến tương tự với các chuyến bay tới các điểm du lịch địa phương trọng điểm của Nhật Bản.
Chính quyền thành phố Seoul thì cho biết đang xem xét dừng giao lưu dân sự với các địa phương của Nhật Bản. Trước đó, theo kế hoạch, thành phố Seoul sẽ mời các địa phương Nhật Bản tham dự hai sự kiện vào tháng 9 và tháng 12 tới. Ngoài ra, Seoul cũng có kế hoạch tham dự một số sự kiện được tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng này, như "Đại hội giao lưu thể thao thiếu niên châu Á" tại Tokyo.
Tác động đến các mối liên kết khu vực
Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn không chỉ tác động tiêu cực tới kinh tế 2 nước, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu mà còn ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà cả Hàn Quốc và Nhật bản đều là thành viên. Theo các chuyên gia, do RCEP được tiến hành theo cơ chế đồng thuận nên bất kỳ sự bất đồng song phương nào giữa các quốc gia thành viên đều có thể ngăn cản toàn bộ tiến trình thỏa thuận. Ông Jeong Hyung-Gon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc nhận định, căng thẳng giữa Seoul và Nhật Bản có thể tác động nguy hiểm đến tiến trình đám phán, làm cản trở những cuộc gặp lãnh đạo cấp cao thường niên giữa hai nước để tiếp tục thúc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện RCEP.
Hơn nữa, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia góp phần quan trọng trong nỗ lực tích hợp kinh tế khu vực và đa dạng hóa thị trường trong lúc đang có những tâm lý chống tự do thương mại. Vì vậy, căng thẳng giữa 2 nước cũng sẽ ảnh hưởng tới trao đổi thương mại trong khu vực châu Á.
Trong bối cảnh bất đồng thương mại Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn nóng bỏng, mối quan hệ lạnh lẽo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong vài tuần qua khiến các nhà kinh tế lo ngại. Đáng chú ý là hiện vẫn chưa có dấu hiệu về sự hạ nhiệt căng thẳng.