(VOV5) - Những vấn đề xung quanh việc giải quyết khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang xuất hiện bất ổn mới. Bên cạnh cuộc chạy đua vào Điện Elysée diễn ra quyết liệt tại Pháp, chính trường châu Âu còn trở nên phức tạp hơn khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đệ đơn từ chức sau các cuộc đàm phán về các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm đưa kinh tế nước này thoát khỏi khủng hoảng bị đổ vỡ. Sự ra đi của ông M. Rutte đang tạo gánh nặng không chỉ đối với Xứ sở hoa Tulip mà còn khiến cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thêm chất chồng khó khăn trong việc giải quyết vấn đề của mình.
|
Ảnh: Internet |
Hà Lan sẽ tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Đây là điều được khẳng định sau quyết định của Nữ hoàng Hà Lan Beatrix, ngày 24/4, khi yêu cầu giải tán Quốc hội. Ngay trước khi đưa ra yêu cầu này, Nữ hoàng Beatrix đã có cuộc làm việc kéo dài một giờ với Thủ tướng Mark Rutte. Ông M. Rutte trước đó một ngày đã đệ đơn từ chức lên người đứng đầu Nhà nước, do các cuộc đàm phán về kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" giúp đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng bị đổ vỡ. Hiện tại, ngày mai, 27/4, Chính phủ sắp mãn nhiệm của Hà Lan sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về ngày tổng tuyển cử và dự kiến cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 12/9/2012. Với quyết định này, dư luận cho rằng, mặc dù Nữ hoàng Beatrix đã yêu cầu tất cả các bộ trưởng và thứ trưởng làm mọi điều cần thiết có lợi cho đất nước, song đề nghị giải tán Quốc hội của bà có thể khiến kế hoạch tái khởi động, khôi phục kinh tế của Hà Lan khó thực hiện.
Tình hình kinh tế Hà Lan bắt đầu xấu đi từ nửa cuối năm 2011, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6%. Để đáp ứng các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) và duy trì mức độ tin cậy về tín dụng của mình, chính phủ Hà Lan trong năm 2012 cần cắt giảm thâm hụt ngân sách tới 9 tỷ euro (1,5% GDP). Tuy nhiên, 7 tuần đàm phán giữa 3 chính đảng chủ chốt gồm đảng Tự do và Dân chủ (VVD), đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDA) và đảng Tự do (PVV) đã không đạt thỏa thuận về gói biện pháp tài chính khắc khổ này, do sự phản đối của PVV. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ liên hiệp CDA-VVD sẽ không thể giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với gói biện pháp trị giá khoảng 16 tỷ euro. Đây được xem là một trong những biện pháp quan trọng được Thủ tướng M. Rutte kỳ vọng sẽ ngăn chặn đà thâm hụt ngân sách có thể tăng lên mức 4,7% GDP, tức là khoảng 28 tỷ euro vào năm 2013.
Cái khó của nội các ông M. Rutte là cho dù trở thành Liên minh cầm quyền sau cuộc bầu cử năm 2010, song số ghế của VVD - CDA lại không vượt quá bán tại quốc hội. Vì vậy, mọi quyết sách của chính phủ đều cần thêm sự ủng hộ của PVV. Thiếu sự hậu thuẫn của PVV, lẽ dĩ nhiên kế hoạch đưa thâm hụt ngân sách về mức 3% của Hà Lan theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể được thực hiện. Theo dự báo năm 2013, thâm hụt ngân sách của Hà Lan ở mức 4,6% GDP và nước này cần đệ trình ngân sách lên EU trước ngày 30/4. Các nhà kinh tế cho rằng, sự sụp đổ của chính phủ Hà Lan sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực đúng vào thời điểm tình hình kinh tế nước này đang xuất hiện nhiều tín hiệu đáng lo ngại. Vấn đề ở đây không phải là khoản nợ công chiếm tới 66% GDP mà điều căn bản nằm ở chỗ là sự đổ vỡ của thị trường bất động sản đang đè nặng lên nhiều hộ gia đình. Số liệu thống kê cho thấy, tổng nợ tư nhân trong lĩnh vực bất động sản đã lên tới 249% GDP, tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.
Rõ ràng, tiếp sau sự sụp đổ chính phủ ở một loạt quốc gia có nền kinh tế yếu kém là Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha, khủng hoảng đang diễn ra tại Hà Lan sẽ nối dài thêm mối lo cho các nhà lãnh đạo Eurozone. Theo thông báo chính thức được EU công bố ngày 24/4, nợ của 17 nước thuộc Eurozone đã tăng lên mức 87,2% GDP. Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Hiện tại, bên cạnh các khoản vay để bù đắp thâm hụt ngân sách, nhiều quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro phải "cõng" cả khoản cứu trợ trị giá 386 tỷ euro từ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Đó là chưa tính tới những nguy cơ hiện hữu từ hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 của châu lục là Italia và Tây Ban Nha.
Hiện tại, Hà Lan vẫn là một trong ba quốc gia trong Eurozone (Đức, Hà Lan, Luxembourg) giữ được chỉ số tín nhiệm AAA, song các chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ có duy nhất Đức là thực sự xứng đáng với mức tín nhiệm "vàng". Để tồn tại, Hà Lan phải tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng đối lập tán thành việc cắt giảm ngân sách, nếu không Hà Lan sẽ phải đối mặt với khả năng bị mất điểm xếp hạng tín nhiệm AAA giống như Pháp. Các nhà kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị không chỉ đe dọa Hà Lan mà còn gây ảnh hưởng lớn hơn tới cả khu vực đồng euro.
Hiện tại, cùng với chiều hướng thay đổi chính trị tại Pháp sau vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp, việc ông M. Rutte chính thức đệ đơn từ chức có thể sẽ làm phức tạp thêm việc giải quyết khủng hoảng nợ công tại khu vực. Bằng chứng là kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4 tại thị trường châu Á, tỷ giá đồng euro tiếp tục sụt giảm so với các đồng tiền khác. Đây là những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ khối 17 quốc gia thuộc Eurozone có thể sẽ phải đương đầu với cuộc suy thoái dài hơn dự kiến./.