(VOV5) - Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố quyết định áp mức thuế chống phá giá cao tới hàng chục lần đối với các sản phẩm cá tra, basa filet nhập khẩu từ Việt Nam của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 đối với cá da trơn Việt Nam hôm 14/03. Đây là quyết định thiếu công bằng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam, đặc biệt khi DOC còn thay đổi nước thứ ba để áp dụng thuế chống bán phá giá từ Bangladesh sang Indonesia. Phóng viên Đài TNVN chỉ ra những điểm bất cập trong tuyên bố của DOC về việc này.
|
Mức thuế chống bán phá giá cao ảnh hưởng đến người nuôi cá da trơn (Ảnh: internet) |
Theo quyết định của DOC, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra, cá ba sa filet đông lạnh của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng hàng chục lần, từ vài cent/kg lên tới vài chục cent hoặc vài USD/kg. Đơn cử như, doanh nghiệp Vĩnh Hoàn, đơn vị có doanh số lớn nhất về xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường nước này, từng được hưởng thuế suất 0%, tới đây sẽ phải chịu thuế ở mức 0,19 USD/kg. 16 doanh nghiệp khác của Việt Nam, trong đó có các công ty Bình An, Hùng Vương, Cadovimex, Anvifish, Docifish... cũng sẽ phải chịu mức thuế cao hơn từ 0,77 USD tới 3,87 USD/kg. Tính trung bình mỗi kg cá tra, người nuôi cá Việt Nam lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg do giá đầu vào tăng mạnh, trong khi giá bán ngày càng thấp. Nếu giá cá tra xuất khẩu tiếp tục giảm, lại gánh thêm thuế chống phá giá sẽ làm cho các doanh nghiệp đầu tư nuôi cá nguyên liệu bị thiệt hại kép. Lúc đó, người nuôi cá tra, cá ba sa ở Đồng bằng sông Cửu Long phải bỏ nghề vì giá bán không đủ chi phí sản xuất. Thông tin tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ thêm một lần nữa tạo sự lo lắng cho người nuôi cá. Ông Trần Văn Trung, người nuôi cá tra ở Châu Phú, tỉnh An Giang, cho biết: “Lỗ 2 năm liền nông dân chịu không nổi. Có người không chịu được nên bỏ nghề nuôi. Một số hộ thì còn gắng gượng. Hiện nay giá thức ăn nguyên liệu đang lên, chi phí thuốc men, con giống, lãi suất ngân hàng... nên bị lỗ”.
Như vậy, khó khăn từ khâu đầu tiên tại các bè nuôi sẽ tạo ra phản ứng liên hoàn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới khâu sản xuất, chế biến tại các doanh nghiệp chuyên thu mua, sản xuất và xuất khẩu cá tra, cá basa filet Việt Nam.
Trở lại với quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 ngày 14/03 mới đây, DOC đã căn cứ vào nghiên cứu về giá của Chính phủ Indonesia để tính toán giá cá tra sống nguyên con dùng chế biến filet. Nghiên cứu này không căn cứ vào giá thực tế, chỉ dựa vào giá trung bình của cả nước, được tính toán từ số liệu một vài địa phương, dẫn đến chênh lệch lớn về giá đối với sản phẩm cá da trơn. Trưởng Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, ông Đào Trần Nhân, cho rằng: “Tôi nghĩ, đã có tác động của sự vận động rất mạnh của các nhóm lợi ích của Hoa Kỳ. Cụ thể, Hiệp hội cá nheo Hoa Kỳ đã vận động hành lang rất mạnh để Bộ Thương mại Hoa Kỳ tìm mọi cách thay đổi nước thay thế từ Bangladesh sang Indonesia nhằm tăng thuế để ngăn cản cá tra và cá basa của Việt Nam cạnh tranh với cá nheo của Mỹ trên thị trường này”.
|
Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn VN (Ảnh: internet) |
Trong các đợt xem xét trước đó, chính DOC đã liên tục phản đối chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam, vì quốc gia này không có đầy đủ dữ liệu về giá và thiếu các thông số cơ bản về tài chính. Hơn nữa, thực tế chính Indonesia chỉ là nước nhập khẩu cá tra đông lạnh chủ yếu từ Việt Nam mà không xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới. Trong 8 năm liên tiếp, DOC vẫn chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào của cá tra Việt Nam bởi quốc gia này là nước sản xuất cá thương phẩm và nuôi trong ao giống như Việt Nam. Trong khi đó Indonesia lại nuôi 5 loài cá tra khác nhau, chỉ có 70% sản lượng cá tra năm 2011 được nuôi trong ao. Đặc biệt, 5 loại cá da trơn của Indonesia gần như không giống với các loại cá của Việt Nam và Bangladesh. Như vậy, rõ ràng là không có cơ sở thực tế nào để Indonesia trở thành nước thay thế hoặc dữ liệu của nước này được coi là đáng tin cậy hơn trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 của DOC đối với Việt Nam.
Trước quyết định thiếu tính chính xác này của DOC, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành cá tra thông qua các hoạt động pháp lý cần thiết để yêu cầu DOC sửa lại quyết định theo luật pháp Hoa Kỳ cũng như các thỏa thuận của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Ông Đào Trần Nhân, Trưởng Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết: “Các luật sư của bị đơn sẽ cùng Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại phương pháp tính toán mức thuế mới để xem có sai sót hay không. Nếu không chính xác thì bị đơn có thể yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ sửa đổi lại mức thuế. Khả năng thứ hai là phía Việt Nam cũng có thể yêu cầu các luật sư tiến hành khởi kiện quyết định của Bộ Thương mại ra tòa thương mại quốc tế Hoa Kỳ".
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết Mỹ đang là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Châu Âu, với kim ngạch hơn 358 triệu USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Như vậy, việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá quá cao không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra vào Mỹ mà còn gây tác động tiêu cực với các thị trường khác cũng như ngành nuôi cá tra Việt Nam. Và điều hiển nhiên khi mức thuế này áp dụng thì chính người tiêu dùng Mỹ cũng chịu thiệt hại khi phải chi thêm một khoản tiền nữa để mua món ăn mà họ yêu thích./.