(VOV5)- Bản kế hoạch 17 điểm nhằm giải quyết tình trạng người di cư đang đổ về EU qua khu vực Balkan, được thông qua Hội nghị thượng đỉnh hẹp của Liên minh châu Âu ngày 26/10, được coi là giải pháp cho những bế tắc của châu Âu hiện nay. Tuy chưa thể giải quyết một cách tổng thể cuộc khủng hoảng người tị nạn song những giải pháp này phần nào khôi phục sự ổn định việc quản lý di cư, làm chậm lại làn sóng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
|
Khoảng 400 người tị nạn tham gia cuộc ẩu đả vì thức ăn tại một trại tạm trú ở Calden, Đức cuối tháng 9. Ảnh: AFP |
Kể từ đầu năm đến nay, hơn 670.000 người từ các nước có xung đột vũ trang như Syria, Iraq và Afghanistan đã tìm đến châu Âu. Khoảng 3.000 người thiệt mạng khi vượt biển Địa Trung Hải. Trong bối cảnh mùa Đông ở châu Âu đang đến gần, mối lo người di cư sẽ phải chịu số phận tương tự trên tuyến đường Balkan ngày càng tăng nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ các nước EU.
Phối hợp hành động
Theo kế hoạch 17 điểm, lãnh đạo các nước tham gia đồng ý tiếp nhận 100.000 người tị nạn vào châu Âu qua tuyến đường Balkan, trong đó 50.000 trường hợp ở Hy Lạp. EU nhất trí trong tuần tới sẽ cử bổ sung 400 nhân viên bảo vệ biên giới tới Slovenia để phối hợp với lực lượng sẵn có ở nước này kiểm soát tốt hơn khu vực giáp Croatia và Áo. Ngoài ra, Cơ quan biên phòng châu Âu Frontex cũng có nhiệm vụ bảo vệ tốt hơn khu vực biên giới giữa Hy Lạp, Macedonia, Albania và Serbia.
Các nước tham gia cũng nhất trí nắm bắt và chia sẻ thông tin hàng tuần về tình trạng người tị nạn ở nước mình, đặc biệt là tại các khu vực biên giới. Nằm trong tâm điểm của giải pháp bảo vệ vùng ngoại biên EU, Hy Lạp bị sức ép phải có biện pháp kiểm soát tốt hơn vùng biên giới ngoài EU cũng như biên giới với các nước Balkan. Bên cạnh đó, Athens cũng phải đẩy nhanh việc xây dựng các trung tâm đăng ký người tị nạn, từ đó phân loại để phân bổ tới các nước châu Âu. Những trường hợp không được chấp nhận tị nạn sẽ bị trả về nước. Theo kế hoạch của EU, khối liên minh này sẽ nhanh chóng đẩy nhanh việc trục xuất người tị nạn bị bác đơn.
Tuyên bố của Hội nghị cũng cho biết Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Phát triển Hội đồng châu Âu (CEB) sẵn sàng tài trợ cho việc giải quyết khủng hoảng di cư. Ngay trong tuần này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tổ chức các cuộc gặp với đại diện các định chế tài chính trên để thảo luận vấn đề người di cư.
Khó khăn không nhỏ
Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của cuộc họp thượng đỉnh bất thường lần này bởi chỉ có 8 nhà lãnh đạo các nước EU nhóm họp với các lãnh đạo không phải là thành viên EU trong khi tất cả mọi quyết định phải được toàn bộ 28 thành viên EU thông qua. Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas nhận định chỉ có cách tiếp cận chung trên quy mô châu Âu và giữa các nước, đồng thời dựa trên sự hợp tác, mới có thể mang lại hiệu quả. Ngay cả những người trong cuộc cũng hoài nghi tính hiệu quả của thỏa thuận 17 điểm. Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận những biện pháp được thông qua nêu trên vẫn chưa thể giải quyết một cách tổng thể cuộc khủng hoảng người tị nạn. Thủ tướng Slovenia Miro Cerar thì nhấn mạnh nếu những cam kết đã đạt được trong Hội nghị không được thực thi ngay từ ngày 26/10 thì tình hình sẽ không được cải thiện. Trong trường hợp đó, Slovenia sẽ tiếp tục cân nhắc việc dựng hàng rào biên giới để ngăn chặn hàng nghìn người di cư từ Croatia đổ về. Trong khi đó, Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic lo ngại nếu dòng người di cư không thuận theo lộ trình từ Hy Lạp qua Macedonia để đến Serbia, rồi từ đó tiếp tục hành trình đến các nước Bắc Âu thì mọi chuyện lại tiếp diễn như cũ.
Tài chính cũng là vấn đề khó khăn để triển khai kế hoạch khi mà trước thềm phiên họp khẩn, chính Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker phải hối thúc các hoạt động viện trợ khẩn cấp từ các nước thành viên thay vì những cam kết trên giấy. Đến nay, các nước thành viên EU cam kết hỗ trợ tổng cộng 2,3 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư nhưng mới chỉ cung cấp 275 triệu euro. Một vấn đề khác cần quan tâm là người dân một số nước thành viên EU đang đối mặt với làn sóng tẩy chay người di cư. Đơn cử tại Đức, cảnh sát nước này vừa ngăn chặn thành công âm mưu phóng hỏa nhiều trại tạm trú dành cho người xin tị nạn. Nhiều thành viên của các phong trào cực hữu và các băng nhóm tội phạm cũng bị cảnh sát bắt giữ do có âm mưu tấn công người nhập cư.
Không khó nhận thấy cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng nhất ở Châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đang gây một sức ép ngày càng lớn lên các nước EU. Thỏa thuận 17 điểm mà EU vừa đạt được sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi có sự hợp tác thiện chí của các quốc gia. Tuy nhiên điều này xem ra không dễ thực hiện.