(VOV5) - Cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu (EP) đã có kết quả cụ thể. Dù phe liên minh các đảng bảo thủ và liên minh các đảng xã hội, xã hội dân chủ vẫn là những tập hợp lớn nhất trong nghị viện mới, song một bất ngờ lớn là các đảng cực hữu theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa và chống lại một Châu Âu hợp nhất, lại giành số phiếu rất cao. Thực tế này đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bởi xu hướng này có thể cản trở tiến trình phục hồi và phát triển của EU.
751 ghế nghị sĩ được phân chia cho các nước thành viên EU dựa trên số dân mỗi nước. Và đã có ít nhất 20% trong tổng số 751 ghế nghị sĩ của EP nhiệm kỳ này thuộc về các đảng phái bất lợi đối với EU.
Quan điểm cực hữu, chống EU trỗi dậy
Ở gần như tất cả các nước tham gia Nghị viện Châu ÂU (EP), các đảng với quan điểm cực đoan, cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và chống lại việc nhất thể hóa châu Âu đều trỗi dậy mạnh mẽ và đạt kết quả cao.
Tại Pháp, Anh, Đảng Mặt trận quốc gia và đảng Độc lập đều vượt hẳn các đảng lớn lâu nay thay nhau cầm quyền ở hai nước. Tại Đan Mạch, đảng cánh hữu Nhân dân Đan Mạch, đảng phản đối chính sách nhập cư, cũng dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu tại nước này. Ở Áo, Ba Lan, Hungary và Phần Lan, các đảng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa đều giành được tỷ lệ phiếu bầu rất cao. Ở Đức, đảng phản đối đồng euro hiện diện trong EP ngay trong lần đầu tranh cử. Điều đáng nói là tất cả những đảng này đều chủ trương đi ngược lại những gì EU coi là tôn chỉ mục đích, đều theo đuổi chính sách phản đối EU nhất thể hóa, hoài nghi về tương lai của khối.
Tại sao lại có chừng ấy cử tri Châu Âu không tin tưởng vào tương lai ngôi nhà chung, không tin tưởng một Châu Âu nhất thể hóa ? Câu hỏi này đã buộc các nhà lãnh đạo chính trị Châu Âu và mỗi quốc gia thành viên xem xét lại hướng đi bấy lâu nay.
Hệ quả tất yếu của sự mất niềm tin
Thực tế, tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử EP lần này ở mức thấp kỷ lục, chỉ chiếm 43% trong tổng số khoảng 400 triệu cử tri của toàn bộ 28 nước thành viên EU, giảm mạnh so với lần bầu cử trước. Dù đây là một sự kiện quan trọng 5 năm mới diễn ra nhưng dường như cử tri chẳng mấy mặn mà với việc chọn lựa những đại diện ưu tú của quốc gia mình giành ghế trong EP.
Đã hơn 5 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới nổ ra, người dân EU chưa thấy những tín hiệu tích cực từ các thể chế chính trị trong EU cũng như ngay tại mỗi chính phủ của họ. Giá cả ngày một đắt đỏ, thất nghiệp lan tràn, thuế tăng trong khi phúc lợi xã hội giảm khiến cho tâm lý hoài nghi, chán chường với những kế hoạch cải cách, chương trình hành động kém hiệu quả của chính phủ tăng cao. Người dân bất mãn và đổ lỗi cho giới lãnh đạo EU là nguyên nhân gây nên khủng hoảng. Các đảng cực hữu chiếm tỷ lệ cao trong cuộc bầu cử EP vừa qua là câu trả lời rõ nhất, chứng tỏ niềm tin của cử tri về một EU nhất thể hóa đã bị lung lay.
Lựa chọn hướng đi cho tương lai
Thực tế này đã khiến các nhà lãnh đạo EU lo lắng. Thậm chí, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã ví đây là cơn địa chấn chính trị ở EU. Các nhà phân tích chính trị nhận định kết quả bầu cử EP phản ánh tình trạng bất ổn còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính từng tàn phá khu vực đồng euro. Các nhà lãnh đạo EU ngay sau đó đã vội vã nhóm họp tại Brussel, Bỉ để đối phó với những lo ngại về xu hướng ly khai Châu Âu nay đã có một vị thế nhất định trong EP. EU đang đứng trước thách thức phải đẩy mạnh cải cách, đổi mới. Tổng thống Pháp Francois Hollande đề xuất xây dựng một EU đơn giản, rõ ràng và hiệu quả, trong kho đó, Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi lãnh đạo Châu Âu cần thay đổi và EU không thể hoạt động như hiện nay. Còn bản thân Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barosso tuyên bố đã đến lúc các nhà lãnh đạo chính trị ở cấp quốc gia và trong EU phải suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm của mình.
EU thật sự đang cần một sự cải cách mạnh mẽ, linh hoạt hơn, nhất là hoạt động của các thể chế của khối thì mới có thể mang lại hiệu quả và khi đó mới có thể mang lại luồng sinh khí mới, sự thay đổi tích cực đối với “lục địa già” này.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các nhân vật cực hữu trong EP, liệu tiến trình cải cách này có chắc chắn sẽ diễn ra suôn sẻ? Liệu EU có tạo được sự đồng thuận đồng cao trong các thể chế của EU, cũng như giữa chính lãnh đạo các nước thành viên của khối này hay không dường như đã có sẵn câu trả lời. Với tư tưởng phản đối hợp nhất hóa Châu Âu, theo nhận định, rất có thể thời gian tới, những tiếng nói trái chiều trong EP có thể tác động tới Hiệp ước về tự do đi lại (Schengen), hoạt động ngân hàng, tài chính trong EU và làm “đảo lộn” trật tự trong EU. Sau 5 năm vật lộn với nợ công, EU đang bước vào thời kỳ khó khăn mới trên con đường đồng thuận hướng tới tương lai./.