(VOV5) - Theo thỏa thuận, các nước sẽ tự nguyện cắt giảm tiêu thụ nhu cầu khí đốt từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 so với mức tiêu thụ trung bình giai đoạn 2017-2021.
Trong nỗ lực nhằm tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng cho Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên vừa đạt được thỏa thuận về việc tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15% trong mùa đông này. Tuy vậy, việc thực hiện mục tiêu này gặp không ít thách thức.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Theo thỏa thuận, các nước sẽ tự nguyện cắt giảm tiêu thụ nhu cầu khí đốt từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 so với mức tiêu thụ trung bình giai đoạn 2017-2021. Mục tiêu cắt giảm này có thể trở thành bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung.
Những ý kiến trái chiều
Các chuyên gia cho rằng mùa đông 2022 - 2023 sẽ nhiều khó khăn, đặc biệt nếu nhiệt độ giảm sâu. Mục tiêu giảm 15% tiêu thụ khí nhằm giúp EU vượt qua mùa đông này.
Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, nếu Liên minh châu Âu (EU) giảm sử dụng 15% khí đốt, các quốc gia thành viên liên minh có thể tiết kiệm 45 tỷ m3. Con số này có thể thấp hơn nếu các thành viên áp dụng quyền miễn trừ hoặc tham gia với mức độ ít hơn. Giới chức EU tin tưởng ngay cả khi tất cả quốc gia tận dụng đầy đủ quyền miễn trừ, kế hoạch vẫn giúp liên minh vượt qua mùa đông với độ lạnh trung bình.
Kế hoạch thắt lưng buộc bụng khí đốt ban đầu dự kiến kéo dài hai năm, song chính phủ các nước thành viên EU đã giảm thời gian áp dụng xuống một năm. Sau mùa đông năm nay, họ sẽ thảo luận kế hoạch khí đốt tiếp theo cho mùa đông 2023 - 2024.
Bộ trưởng Năng lượng Bồ Đào Nha Joao Galamba. Ảnh: EPA |
Trước thềm cuộc họp ngày 26/7, giới chức EU thừa nhận ít nhất 12 trong số 27 quốc gia thành viên đã nêu quan ngại về đề xuất cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ. Hôm 21/7, Bộ trưởng Năng lượng Bồ Đào Nha Joao Galamba nhấn mạnh Lisbon " phản đối" kế hoạch của EU do "đề xuất này không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia". Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas tuyên bố nước này phản đối việc bắt buộc thực hiện mục tiêu cắt giảm cũng như không nhất trí với mức giới hạn sử dụng khí đốt mà EU công bố. Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa thì nêu rõ: " không thể chấp nhận bất kỳ quyết định nào được áp đặt đối với các quốc gia. An ninh năng lượng là đặc quyền của quốc gia". Mặc dù bỏ phiếu tán thành thỏa thuận, song Bộ trưởng Ba Lan vẫn khẳng định ngành công nghiệp nước này sẽ không thể bị buộc phải cắt giảm sử dụng khí đốt để giúp đỡ các nước khác. Còn Hungary, nước duy nhất bỏ phiếu phản đối thỏa thuận, tuyên bố văn kiện này “không chính đáng, vô ích, không thể thi hành và có hại”.
Trước đó, các nước thành viên EU cũng đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc trao quyền cho Brussels áp đặt việc cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ trong trường hợp khẩn cấp. Họ muốn chính 27 quốc gia thành viên - chứ không phải cơ quan điều hành EU có trụ sở tại Brussels - quyết định thời điểm và cách thức thực hiện các mục tiêu ràng buộc.
Dự trữ năng lượng
Một số ý kiến lo ngại rằng việc giảm 15% nh cầu khí đốt vẫn sẽ không đủ để ngăn tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu trong mùa đông năm nay. Mức dự trữ hiện đang rất chênh lệch giữa các quốc gia, cho tới hiện tại toàn bộ EU mới chỉ giảm được khoảng 5% tiêu thụ khí đốt, bất chấp giá khí đốt đã leo thang mạnh nhiều tháng qua và nguồn cung từ Nga ngày càng siết lại.
Về tổng thể, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch lấp đầy khoảng 80% các kho chứa nhiên liệu vào ngày 1/11 để có thể đảm bảo nguồn cung cho những tháng mùa Đông cao điểm. Đức có mục tiêu cao hơn nữa là lấp đầy ở mức 95% vào tháng 11.
Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, tính đến hiện tại, mức dự trữ khí đốt của châu Âu trung bình đang ở mức 66%. Còn đối với Đức, tính đến ngày 23/7, tổng lượng khí đốt dự trữ của nước này đạt 65,91%.
Bà Kateryna Filippenko, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, cho biết châu Âu có khả năng vượt qua mùa Đông với chỉ còn 20% lượng khí đốt trong kho vào cuối tháng 3/2023 - một mức rất thấp.
Theo giới phân tích, hệ thống năng lượng của châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Mối đe dọa an ninh năng lượng là hiện hữu. Do vậy, các nước châu Âu cần làm việc cùng nhau nếu muốn vượt qua mùa Đông mà không chịu tổn thất lớn. Nhưng ngay cả khi các nước EU làm vậy, viễn cảnh mùa Đông tiếp theo (năm 2023-2024) giá năng lượng vẫn có khả năng ở mức cao trong nhiều tháng.