(VOV5) - Nhiều ý kiến lo ngại, nếu không được ngăn chặn kịp thời, xung đột hiện nay có thể leo thang theo một kịch bản tồi tệ cho cả khu vực.
Những ngày cuối tháng 9, khu vực Nagorno-Karabakh - một không gian hậu Xô Viết, bất ngờ trở thành điểm nóng của thế giới khi quân đội Armenia và Azerbaijan giao tranh ác liệt với nhau, sử dụng nhiều khí tài chiến tranh hạng nặng như xe tăng, pháo tầm xa và cả máy bay chiến đấu. Nhiều ý kiến lo ngại, nếu không được ngăn chặn kịp thời, xung đột hiện nay có thể leo thang theo một kịch bản tồi tệ cho cả khu vực.
Căng thẳng lên cao hôm 27/9 giữa quân đội Azerhaijan và Armenia về vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh.-Ảnh vtc.vn |
Chiến sự bùng phát hôm 27/9 khi quân đội hai nước cáo buộc nhau đã phát động tấn công trước vào các mục tiêu ở Nagorno-Karabakh, khu vực tranh chấp từ nhiều năm qua giữa hai bên. Các cuộc không kích và pháo kích qua lại được cho là đã gây nhiều thiệt hại với cả hai nước. Trong thông báo ngày 28/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan khẳng định đã tiêu diệt 550 binh sỹ, 22 thiết giáp, 15 tổ hợp phòng không, 18 máy bay không người lái, 8 trận địa pháo và 3 kho đạn của Armenia.
Về phần mình, quân đội Armenia cho biết đối phương mất khoảng 200 binh sỹ cùng 30 xe thiết giáp, đồng thời bác bỏ số thương vong và thiệt hại mà Azerbaijan đã công bố, thừa nhận chỉ có 16 binh sỹ thiệt mạng và 100 người khác bị thương. Quân đội hai nước đồng thời công bố nhiều video, hình ảnh về các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng đối địch làm bằng chứng cho các khẳng định về thiệt hại của đối phương.
Chiến sự ác liệt và nguy cơ leo thang xung đột
Theo các nguồn tin và giới phân tích, các cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia hôm 27/9 có mức độ ác liệt hơn rất nhiều so với các cuộc đụng độ hồi tháng 7 vừa qua, bởi hai bên đã sử dụng nhiều vũ khí và khí tài hạng nặng tham chiến. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn lúc này là cả hai bên vẫn đang thể hiện những quan điểm hết sức cứng rắn, có thể làm trầm trọng hóa cuộc khủng hoảng hiện nay.
Hình ảnh được cho là xe tăng Azerbaijan bị trúng đạn, bốc cháy ngùn ngụt.
- Ảnh: AP |
Theo đó, cả Armenia và Azerbaijan cùng cáo buộc đối phương đã huy động lực lượng bên ngoài tham gia vào các cuộc giao tranh. Cụ thể, Armenia cáo buộc Thổ Nhỹ Kỳ gửi khoảng 4.000 tay súng Syria, nhiều máy bay không người lái cùng chuyên gia quân sự tới Nagorno-Karabakh để hỗ trợ quân đội Azerbaijan, song không đưa ra bằng chứng. Về phần mình, giới chức Azerbaijan đã bác bỏ thông tin này, đồng thời cáo buộc ngược lại rằng Armenia đang sử dụng lực lượng đánh thuê từ Syria và một số quốc gia Trung Đông trong tranh chấp ở Nagorno-Karabakh, nhưng cũng không cung cấp chứng cứ cụ thể.
Đặc biệt, ngày 28/9, Đại sứ Armenia tại Nga Vardan Toghanyan cảnh báo nước này sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander nếu Thổ Nhỹ Kỳ điều tiêm kích F-16 tới Nagorno-Karabakh để hỗ trợ Azerbaijan. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov tuyên bố rằng nước này sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng nếu Armenia đưa tên lửa Iskander vào tham chiến. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 27/9 khẳng định sẽ tiếp tục đứng về phía Azerbaijan như đã từng làm trong xung đột với Armenia.
Cộng đồng quốc tế quan ngại
Trước các diễn biến leo thang nghiêm trọng tại Nagorno-Karabakh, nhiều cường quốc đã lên tiếng bày tỏ quan điểm, kêu gọi các bên kiềm chế. Ngày 27/9, Tổng thống Nga Vladimia Putin ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, kêu gọi Armenia và Azerbaijan làm mọi điều có thể để ngăn xung đột leo thang và chấm dứt thái độ thù địch. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đang xem vấn đề, bày tỏ mong muốn hai nước chấm dứt giao tranh. Cùng quan điểm, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo căng thẳng tại Nagorny-Karabakh có nguy cơ leo thang và gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định của khu vực. EU kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt hành động thù địch, giảm căng thẳng và các cường quốc trong khu vực không nên can thiệp.
Đặc biệt, các nguồn tin ngoại giao ngày 28/9 cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ tổ chức những cuộc thảo luận khẩn cấp theo hình thức họp kín trong ngày 29/9 để bàn về vấn đề Nagorno-Karabakh. Hai nước Đức và Pháp đã yêu cầu tổ chức cuộc họp trên, trong khi các quốc gia châu Âu khác đang là thành viên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Bỉ, Anh và Estonia, cũng ủng hộ động thái này.
Giới phân tích tin tưởng, dù nguy cơ leo thang xung đột tại Nagorno-Karabakh vẫn còn cao, song sự vào cuộc nhanh chóng của cộng đồng quốc tế là cực kỳ cần thiết, có thể giúp làm hạ nhiệt căng thẳng hiện nay. Đặc biệt, với vị thế và quan hệ lợi ích đặc biệt tại khu vực, nước Nga của Tổng thống Putin sẽ nỗ lực để ngăn chặn một cuộc xung đột nguy hiểm bùng phát ngay sát biên giới của mình.