(VOV5) - Một loạt các giải pháp về thực hiện cơ chế giá thị trường, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách đã được các thành viên Chính phủ đề xuất trong phiên họp thường kỳ ngày 29/09. Các đề xuất này hướng tới mục tiêu giúp kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và vững chắc hơn, trong bối cảnh chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2013.
|
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN) |
Nền kinh tế đang dần phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn
Trước hết phải khẳng định kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển theo đà tốt, trên tất cả các mặt. Tuy nhiên, tốc độ chưa như mong muốn. Sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm, chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước đạt thấp hơn so với kế hoạch. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm và thấp hơn cùng kỳ, trong khi đó hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao.
Kiên quyết thực hiện cơ chế giá thị trường, rà soát quy mô dự án xây dựng
Trong bối cảnh đó, chính phủ cần điều hành thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quyết liệt hơn. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý khoảng 5,5 - 5,8%, Chính phủ dự tính cần tối thiểu 255 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
Song song với ban hành chính sách giãn, giảm, hoãn thuế để kích thích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh phải xử lý nghiêm các hành động gian lận, trốn thuế. Đặc biệt là phải tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng đầu vào thiết yếu như xăng, dầu, điện. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề nghị kiên quyết thực hiện giá thị trường như giá khí, tập đoàn dầu khí. Ví dụ như nhà máy đạm Phú Mỹ, cổ phần hóa rồi, chỉ 60% là của nhà nước, còn lại là của tư nhân nhưng khí vẫn cứ bao cấp. Một năm lãi 3-4 nghìn tỷ nhưng Nhà nước chỉ được có 60%. Cái được đó không phải lãi thực sự từ sản xuất mà do giá khí bao cấp. Nếu chúng ta kiên quyết thực hiện giá thị trường thì hàng năm có thể thu thêm chục nghìn tỷ đồng.
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các địa phương cần thực hiện quyết liệt hơn việc chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, xử lý hiệu quả nợ đọng trong xây dựng cơ bản; đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng theo đúng đối tượng, qua đó góp phần kích thích sự tăng trưởng, phát triển kinh tế. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng cần rà soát lại quy mô vốn đầu tư các dự án để kiểm soát tốt vốn đầu tư nhà nước, tránh đầu tư dàn trải, đây cũng là cơ sở để xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng trong xây dưng cơ bản. Bộ trưởng đề nghị tiếp tục rà soát lại các dự án đầu tư ở cả Trung ương và địa phương. Những dự án chưa cần thiết, dù đầu tư rồi, vẫn có thể tạm dừng và rà soát các dự án cần tiếp tục thực hiện, thậm chí thiết kế xong rồi đang xây dựng vẫn có thể điều chỉnh được để bỏ bớt hạng mục hoặc thay đổi công năng cho phù hợp.
Bảo đảm cân đối thi – chi, đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước
Lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề cập khi yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách; bảo đảm cân đối thu-chi theo kế hoạch, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây nợ đọng, thất thoát, lãng phí.
Liên quan đến lộ trình đẩy nhanh việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết hiện Chính phủ đang quyết liệt tiến hành các bước để đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng minh bạch công khai và theo tiêu chuẩn chung của quốc tế. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, có nhiều loại hình doanh nghiệp không nhất thiết Nhà nước phải nắm giữ cổ phần đa số nhưng trong những quyết định quan trọng đối với doanh nghiệp đấy người ta có ghi vào điều lệ thậm chí ghi vào luật dù Nhà nước có 1% cổ phần thì Nhà nước vẫn được quyền quyết định. Vì vậy việc chúng ta tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hoàn toàn không trái với định hướng, không trái với cương lĩnh và không trái với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mà chỉ làm cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, đảm đương được chức năng quan trọng là dẫn dắt nền kinh tế.
Triển khai đồng bộ những giải pháp được các thành viên Chính phủ đề xuất sẽ góp phần tích cực cho việc hoàn thành các mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2013 nói chung và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nói riêng./.
Thành Chung - Văn Hiếu