Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế

(VOV5) - Bức tranh kinh tế đầu năm 2013 của Việt Nam đã có những điểm sáng đáng chú ý. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, tạo tiền đề thuận lợi để Chính phủ có những giải pháp điều hành thích hợp, nhằm hoàn thành mục tiêu cả năm là tăng trưởng GDP 5,5%  và lạm phát thấp hơn năm 2012.


Với việc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng về bình ổn giá, thúc đẩy sản xuất, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2013 đã có kết quả tích cực. Nổi bật là tổng phương tiện thanh toán đến 21/1/2013 ước tăng 0,17% so với tháng 12/2012. So với cùng kỳ năm trước, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng khoảng 10%. Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD khi kim ngạch xuất khẩu đạt 10,1 tỷ USD, tăng 43,2%. Trong bối cảnh tình hình tiền tệ ổn định, lãi suất tín dụng giảm cũng góp phần hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng trong tháng này, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,25% so với tháng trước. Đây là mức tăng trung bình so với cùng kỳ các năm. Tuy nhiên, cũng là dấu hiệu không thể chủ quan. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Năm nay kế hoạch đã được Quốc hội thông qua là tăng trưởng phải phấn đấu cao hơn và lạm phát phải thấp hơn năm 2012. Năm 2012 chúng ta thành công trong việc giữ lạm phát dưới 7%. Năm nay phải dưới mức đó và đương nhiên khi lạm phát tháng 1 trên 1% thì đây cũng là tín hiệu cảnh báo. Chúng ta phải hết sức thận trọng và phải tăng cường sự điều hành, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để đạt chỉ tiêu cả năm là 5,5% tăng trưởng GDP và lạm phát phải thấp hơn 7%.”.

Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế - ảnh 1
Tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, giải phóng hàng tồn kho là để nền kinh tế phát triển Ảnh: TẤN THẠNH


Một trong những yếu tố quan trọng góp phần ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là hâm nóng thị trường địa ốc. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát toàn bộ thực trạng doanh nghiệp xây dựng; giao Bộ Xây dựng khảo sát thị trường bất động sản. Trên cơ sở đó, ngay trong tháng 1/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước dành từ 20.000 – 40.000 tỷ đồng với thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay mua nhà. Đồng thời, các ngân hàng thương mại dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) để cho các đối tượng thu nhập thấp vay để thuê, mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại với lãi suất thấp, kỳ hạn trả phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trong quá trình xây dựng các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, Chính phủ đã bàn và tính tới hai đặc điểm rất khác biệt của thị trường bất động sản Việt Nam so với các nước. Thứ nhất, Việt Nam là nước đang phát triển, nên thị trường bất động sản gắn liền với nhiều ngành nghề như ngành xây dựng và ngành sản xuất, kinh doanh vật liệu, thiết bị xây dựng. Thứ hai, người Việt Nam có tâm lý muốn có nhà riêng. Các đặc điểm đó đã được Chính phủ cân nhắc đến và các giải pháp cụ thể sắp tới về tài chính, đất đai, quy hoạch, xây dựng đều nhằm mục tiêu tháo gỡ cho bất động sản và giúp những người khó khăn tiếp cận nhà ở, đồng thời phát triển các thiết chế xã hội như trường học, bệnh viện thông qua việc chuyển đổi công năng sử dụng của một số dự án bất động sản.”.   


Cũng liên quan đến việc giải cứu thị trường bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, xem xét đề xuất lập Công ty tái cho vay nhà ở quốc gia và lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan. 
 Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện Bộ công thương cho biết đã giảm thuế nhập khẩu với than hoặc một số vấn đề liên quan đến thuế của một số mặt hàng. Ngay trong tháng 1, Bộ công thương đã ban hành những giải pháp để giải phóng hàng tồn kho, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, tìm thị trường xuất khẩu mới, tăng cường quản lý thị trường. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2013 đã thu được những kết quả tích cực. Với kết quả này cùng sự điều hành của chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ liên quan sẽ giúp kinh tế vĩ mô ổn định hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP 5,5%  và lạm phát thấp hơn năm 2012./.

                  

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác