Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực bình ổn an ninh đất nước

(VOV5) - Sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung mọi nỗ lực để bình ổn lại tình hình đất nước. Với tuyên bố “không quyền lực hay sức mạnh nào có thể hơn được sức mạnh của nhân dân”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, được đánh giá là khá khôn ngoan, khi dựa vào sức mạnh lòng dân trong việc củng cố lại quyền lực và cải tổ mạnh mẽ bộ máy chính quyền, dù rằng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong giai đoạn hiện nay. 

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực bình ổn an ninh đất nước - ảnh 1
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại một sự kiện ở Ankara ngày 2/8 (Ảnh: AFP/TTXVN)


Tối 15/7, cả thế giới bàng hoàng trước những hình ảnh hỗn loạn ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul liên tục được phát đi trên truyền thông quốc tế. Cuộc đảo chính bắt đầu bằng sự kiện xe tăng phong tỏa cây cầu nổi tiếng Bosphorus ở Istanbul. Cùng lúc đó, ở thủ đô Ankara, trực thăng quần đảo trên trời và binh lính tham gia đảo chính tiến hành một loạt cuộc đột kích vào các cơ quan truyền thông, trụ sở cảnh sát, tòa nhà Quốc hội và dinh Tổng thống. Tuy nhiên, chính quyền Ankara đã nhanh chóng dập tắt cuộc đảo chính. Dù vậy, cuộc binh biến bất thành cũng khiến gần 300 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương. Không chỉ vậy, cuộc đảo chính còn khiến cho nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 100 tỷ USD.

Cải tổ mạnh mẽ bộ máy công quyền

Ngay sau khi trấn áp thành công cuộc đảo chính, Tổng thống R. Erdogan lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng trên cả nước. Ông R. Erdogan cam kết nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị tổn hại, đồng thời các quyền cơ bản cũng như quyền tự do của dân chúng cũng không chịu ảnh hưởng. Đặc biệt, sau đảo chính, Tổng thống R.Erdogan tiến hành một chiến dịch thanh lọc bộ máy công quyền lớn chưa từng có. Tính đến nay, đã có hơn 7.500 người bị bắt giữ, trong đó có 103 tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao cùng hơn 2.800 binh sĩ và gần 2.800 thẩm phán. 8.000 cảnh sát bị sa thải. Ông R. Erdogan cũng tuyên bố không loại trừ hình phạt tử hình cho những “kẻ phản bội”.

Tuy nhiên, những hành động này của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lại khiến các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ cực kỳ quan ngại dù trước đó họ ủng hộ ông Erdogan trong cuộc đảo chính. Mỹ và Liên minh châu Âu đều đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc đối với Tổng thống R.Erdogan liên quan đến cuộc thanh trừng mà chính quyền nước này đang thực hiện nhằm vào các thành phần đối lập sau cuộc đảo chính. Song, ông R.Erdogan kiên quyết bảo vệ quan điểm “nền dân chủ không thỏa hiệp" và đây là điều cần thiết nhằm thiết lập một nền hòa bình cho dân chúng. Để tránh gây tâm lý hoang mang trong dân, hôm qua, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cũng lên tiếng trấn an khi phát biểu trên truyền hình, khẳng định chính phủ sẽ không ban bố lệnh giới nghiêm, các cơ chế thị trường tự do sẽ không bị ảnh hưởng và những quyền cơ bản của người dân sẽ không bị xâm hại.

Những hệ lụy sau đảo chính

Cho đến nay, câu hỏi ai đứng đằng sau cuộc đảo chính này vẫn còn gây nhiều tranh cãi và hoài nghi. Chính quyền của Tổng thống R.Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong ở Mỹ chủ mưu. Trong khi đó, ông F.Gulen, 77 tuổi, từng là đồng minh thân thiết với Tổng thống R.Erdogan trước khi trở thành kẻ thù của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời tố ngược lại rằng chính Tổng thống Erdogan mới là chủ mưu của cuộc đảo chính nhằm giúp ông này củng cố quyền lực.

Nhờ cuộc đảo chính, Tổng thống Erdogan đã lật ngược thế cờ, từ vị lãnh đạo đang vấp phải nhiều chỉ trích chuyển sang tư thế của người chiến thắng với sự ủng hộ rộng khắp của người dân.

Thực hư chưa rõ chỉ biết rằng điều đáng lo ngại nhất hiện nay là cuộc đảo chính kết thúc không đồng nghĩa với việc mọi sự hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã qua đi. Trái lại, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là màn mở đầu cho một giai đoạn bất ổn lâu dài ở Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước từng được xem là khá ổn định trong khu vực.

Sau đảo chính, một trong những thách thức lớn nhất của Tổng thống R.Erdogan đó là cần phải xem xét, nhìn nhận lại chính sách trong việc điều hành, quản lý đất nước nếu muốn tiếp tục giữ vững sự ổn định của chính quyền. Thời gian tới, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Công nhân người Kurd (PKK). Bên cạnh đó, việc ông R.Erdogan quyết tâm khôi phục án tử hình và tiếp tục chiến dịch thanh trừng thì quan hệ giữa nước này với phương Tây sẽ ngày một xấu đi. Ông R.Erdogan sẽ đối mặt với làn sóng chỉ trích khi cho rằng ông lạm dụng quyền lực và điều này đồng nghĩa với việc con đường để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ không xuôi chèo mát mái.

Sau đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên đoàn kết hay bị chia rẽ hơn? Câu hỏi này giờ đây nằm trong tay các nhà lãnh đạo nước này. Quốc gia này chắc chắn phải cân nhắc những hậu quả của cuộc nổi dậy vừa qua, từ đó rút ra bài học. Cộng đồng quốc tế đang mong đợi ông R. Erdogan sẽ chớp lấy khoảnh khắc này để hàn gắn những rạn nứt chính trị và đoàn kết quốc gia, đưa Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác