(VOV5) - Ngày 5/4, tại Brussel, Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hiệp quốc sẽ đồng chủ trì một hội nghị bàn về tương lai của Syria.
Hội nghị kéo dài 2 ngày, tập trung thảo luận các biện pháp hỗ trợ nhân đạo cũng như quá trình chuyển tiếp chính trị và tái thiết Syria. Sau hơn 6 năm nội chiến, Syria đang đứng trước nhiều cơ hội để xây dựng một chính phủ chuyển tiếp trong đó có đủ đại diện của các phe phái tại đây. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn còn rất nhiều gian nan, thử thách.
Cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người và khiến hàng triệu người Syria phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu. Hơn 1 năm qua, đã có nhiều cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập do Liên hợp quốc bảo trợ, mà mới đây nhất là vòng đàm phán tại Astana, Kazastan hôm 15/3, song đều chưa đi đến đích. Nguyên nhân bởi các bên chưa thể tìm được tiếng nói chung cho một cuộc chuyển giao chính trị cũng như cách tiếp cận còn nhiều khác biệt giữa các nước lớn.
Cách tiếp cận mới của cộng đồng quốc tế về Syria
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Syria đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi có sự thay đổi đáng kể về cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/3 công bố một kế hoạch tham vọng nhằm hỗ trợ quá trình tái thiết Syria. Theo đó, EU cho rằng Syria cần một “nền hòa bình ủy nhiệm” do cộng đồng quốc tế bảo trợ, thay vì một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” kéo dài đã 6 năm khiến hơn 320.000 người thiệt mạng. EU sẽ đóng vai trò tiên phong trong giai đoạn hậu xung đột tại Syria và Brussels sẵn sàng hành động ngay khi một "quá trình chuyển giao chính trị thực sự" diễn ra tại Syria. EU cũng khẳng định hiện liên minh kinh tế này đã huy động được 9,4 tỷ euro, trong đó gần 1 tỷ euro đã được dùng cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này. Bên cạnh việc huy động nguồn tài chính để tái thiết Syria, Brussels cũng sẽ hỗ trợ soạn thảo một bản Hiến pháp mới và tổ chức bầu cử, hỗ trợ giám sát bầu cử.
|
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, lập trường của Mỹ về Syria cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong một động thái mới nhất, hôm 31/3 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley thừa nhận không còn coi sự ra đi của Tổng thống Syria Al Assad là ưu tiên hàng đầu trong đàm phán nữa mà Washington muốn thực hiện nhiều “biện pháp” nhằm tạo ra những biến chuyển tốt đẹp và khác biệt cho người dân Syria. Ông Nikki Haley nhấn mạnh tương lai Syria do người dân Syria quyết định. Đây có thể được xem là một sự thay đổi khá lớn trong chính sách Trung Đông của Tổng thống Donald Trump so với người tiền nhiệm, ông Barack Obama. Theo các nhà phân tích, việc lần đầu tiên Mỹ công khai lập trường về vấn đề Syria có thể sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trên chính trường Syria.
Chặng đường tái thiết Syria còn nhiều chông gai
Việc Mỹ, Châu Âu thay đổi lập trường về Syria vừa qua rõ ràng đã đem đến một tín hiệu tích cực cho hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Cộng đồng quốc tế có thể hi vọng về một kế hoạch hòa bình cho Syria do Liên Hợp Quốc làm trung gian, trong đó ông al-Assad sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực khi một chế độ lâm thời được thành lập.
|
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, để Syria đi đến một nền hòa bình và ổn định thực sự là điều không phải dễ dàng “một sớm một chiều” khi mà sự can thiệp của các bên vào Syria vẫn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Với chính sách ưu tiên chống khủng bố, trước mắt Chính quyền của Tổng thống Trump có thể xem xét đến khả năng phối hợp với Nga về mặt quân sự, song về lâu dài, Mỹ xác định Syria vẫn là địa bàn quan trọng đối với các lợi ích an ninh của Washington ở Trung Đông, vì thế sẽ không dễ dàng chấp nhận từ bỏ hoặc đứng ngoài cuộc chơi với Nga, nhất là khi các bên tại Syria bắt đầu theo đuổi một lộ trình chuyển giao chính trị. Còn EU, từ trước tới nay vốn có vai trò rất mờ nhạt trong cuộc nội chiến ở Syria thì nay lại hăng hái bước vào bàn cờ Syria, mong muốn là lực lượng kiến tạo hòa bình cho Syria. Với tuyên bố gợi mở một “nền hòa bình ủy nhiệm”, EU gần như không đếm xỉa gì đến vai trò của Nga với vai trò đi tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố IS tại Syria. Liệu điều này có được Moscow và các bên bảo trợ khác cho cuộc chiến Syria như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi.. dễ dàng chấp nhận? Bên cạnh đó, tương lai chính trường Syria sẽ còn tiếp tục bị chi phối, tác động trực tiếp bởi các yếu tố khác, như: lập trường cứng rắn của phe đối lập về vai trò của ông al-Assad, các xung đột leo thang giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni mà đại diện là Iran và Arab Saudi, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nhóm người Kurd, lực lượng ủy nhiệm chính của Mỹ tại Syria....
Tất cả những điều này được các nhà phân tích nhìn nhận sẽ là những nút thắt cản trở cho tiến trình tái thiết Syria. Tương lai của Syria do chính người dân Syria quyết định. Nhưng để điều này trở thành hiện thực cần lắm sự hợp tác vô tư, không toan tính của tất cả các bên trong và ngoài khu vực. Công cuộc tái thiết Syria sau hơn 6 năm dài nội chiến chắc chắn sẽ còn gặp nhiều chông gai, trắc trở.