(VOV5)- Các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đang đứng trước những cơ hội lịch sử và điều quan trọng là các bên có thể tận dụng được nó hay không.
Quan hệ Mỹ và Cuba đang có những bước đi tích cực nhằm khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao bị gián đoạn từ năm 1961. Sau cái bắt tay lịch sử tại tang lễ cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandala hồi tháng 12/2013, cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ diễn ra cuối tuần qua tại Panama, được xem là biểu tượng đầy ý nghĩa, đánh dấu quyết tâm mở ra một giai đoạn mới giữa hai quốc gia láng giềng ở Châu Mỹ Latin.
Ngày 11/4, trước sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và các nhà lãnh đạo quốc gia khu vực Mỹ Latin, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã bắt tay và trao đổi ngắn trước khi an tọa tại Hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Mỹ lần thứ 7. Đây là lần gặp mặt chính thức đầu tiên giữa Washington và La Habana. Lần cuối cùng lãnh đạo hai nước tổ chức họp chính thức là vào năm 1956, khi đó là Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower người đứng đầu Nhà nước Cuba Fulgencio Batista.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Chủ tịch Cuba Castro (thứ ba bên phải) bắt tay nhau tại Panama ngày 11/4. (Ảnh: Fox News)
Cuộc hội kiến lịch sử
Ngay trước thềm cuộc gặp này, cả Washington và La Habana đều phát đi thông điệp rõ ràng về việc sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt của nhau, kiên trì và thiện chí. Trong cuộc điện đàm trước khi đến Panama, Chủ tịch R.Castro khẳng định ông sẵn sàng thảo luận về một số các vấn đề gây tranh cãi, bao gồm cả nhân quyền và tự do báo chí. Trong khi đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng quả quyết cho rằng một chương mới trong quan hệ giữa Washington với nước láng giềng đã mở ra, rằng những tháng ngày mà Mỹ có thể can thiệp một cách tự do tại bán cầu này đã đi vào quá khứ. Dù thừa nhận còn nhiều bất đồng và việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao sẽ mất nhiều thời gian, song hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tái lập quan hệ ngoại giao sẽ mang lại nhiều cơ hội cho cả hai bên. Thậm chí, Tổng thống Mỹ B.Obama còn thừa nhận chuyện bất đồng là hết sức bình thường bởi điều này diễn ra cả với những nước đồng minh thân cận của Mỹ
Mối quan hệ nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Cuba lập tức nhận được sự hoan nghênh mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon nhấn mạnh sự hiện diện của Chủ tịch Cuba Raul Castro tại Hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ sau 21 năm vắng mặt là mong mỏi từ lâu nay của rất nhiều quốc gia trong khu vực. Còn Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng mô tả việc Cuba có mặt tại Panama là “thành tựu lớn nhất của Mỹ Latin và vùng Caribe”. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đánh giá nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba đang giúp chữa lành “vết thương” gây nhức nhối châu Mỹ nhiều năm.
Cần thêm thời gian cho việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện
Thực tế, kể từ khi đưa ra quyết định về việc xích gần lại Cuba năm ngoái, Mỹ đã bãi bỏ nhiều hạn chế đối với đảo quốc này. Trước hết là gỡ bỏ những rào cản trong quan hệ giao lưu nhân dân., như giảm nhẹ những hạn chế của công dân Mỹ du lịch đến Cuba, cũng như cho phép công dân Mỹ được sử dụng thẻ tín dụng khi du lịch ở Cuba và được mua về hàng tiêu dùng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá hay rượu trị giá 100 USD. Cuba. Những trao đổi thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt như viễn thông cũng đã được Washington mở rộng. Tháng 2/2015, một thỏa thuận đã được ký kết về việc tái lập liên lạc điện thoại trực tiếp giữa hai nước. Đến cuối tháng 3/2015, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với khoảng 60 công ty và cá nhân làm ăn buôn bán với Cuba. Các doanh nghiệp Mỹ cũng được phép đầu tư vào khu vực tư nhân ở Cuba. Hai bên cũng đang xúc tiến việc mở đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba lại không nằm ở vấn đề thương mại hay du lịch mà vấn đề mấu chốt là La Habana hiện nay vẫn bị Mỹ liệt kê trong danh sách các nước tài trợ khủng bố từ năm 1982 và việc này đã trở thành một điểm nghẽn lớn đối với việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng. Dù hiện tại Tổng thống B.Obama đã đồng ý với đề xuất của Bộ Ngoại giao nước này đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố, song quyền quyết định lại thuộc về Quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng thống B.Obama sẽ có 45 ngày để chờ đợi quyết định cuối cùng. Song, theo giới phân tích nhận định sẽ ngày càng có thêm tiếng nói ủng hộ việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ với quốc đảo giầu tiềm năng Caribe. Bởi khi quan hệ hai bên được hâm nóng, Mỹ là nước được hưởng lợi nhiều trong việc mở rộng thị trường đầu tư. Thêm nữa, thực tế nhiều thập kỷ qua, chính sách của Washington áp dụng với các quốc gia trong khu vực đã chứng minh tính không hiệu quả. Các nước Mỹ Latin ngày càng thể hiện rõ sự độc lập về ngoại giao và kinh tế với Mỹ, nhờ nền kinh tế tăng trưởng mạnh, khả năng vay và nhận viện trợ từ các nguồn mới từ các quốc gia khác.
Trước thực tế này, đã đến lúc Mỹ nhận thấy cần phải thay đổi chính sách của mình. Tuy vậy, hai bên cần có thêm thời gian cho những bước đi tiếp theo và cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Cuba dù mang tính biểu tượng, nhưng cũng đủ để dư luận hy vọng về một trang sử mới mở ra trong quan hệ hai quốc gia khu vực Mỹ Latin./.