Chuyến công du nhiều toan tính

(VOV5)- Hôm nay, 3/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc trong 2 ngày. Chuyến công du của người đứng đầu nhà nước Trung Hoa không gây ngạc nhiên cho dư luận bởi trong bối cảnh khu vực đang có những mối quan hệ đan xen phức tạp.

Chuyến công du nhiều toan tính - ảnh 1
Ông Tập Cận Bình và bà Park Geun-hye tại Bắc Kinh ngày 27/6/2013 - Ảnh: baodatviet.vn


Đây là lần thứ 3 ông Tập Cận Bình đến Seoul, nhưng lại là lần đầu tiên thăm trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Dù bề ngoài chuyến thăm, theo như thông báo trước thềm chuyến thăm, là sự đáp lễ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đến thăm Trung Quốc tháng 6/2013, song lần đầu tiên một lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc phá lệ thăm Seoul trước Bình Nhưỡng, cho thấy Bắc Kinh đang có sự thay đổi cơ bản về sách lược ngoại giao.


Coi nhẹ Bình Nhưỡng, coi trọng Seoul

Quyết định chọn Hàn Quốc chứ không phải Bình Nhưỡng để đến thăm đã phần nào phản ánh được “vết rạn nứt” giữa Trung Quốc và CDCND Triều Tiên thời gian gần đây. Nhiều năm qua, trên thực tế, dù là đồng minh của Trung Quốc, phụ thuộc nhiều về kinh tế vào Bắc Kinh, nhưng dưới chế độ của lãnh đạo Kim Jong Un, Bình Nhưỡng ngày càng tỏ rõ sự thất thường, gây nhiều phiền toái cho Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc còn từng bị quốc tế coi là thù địch, khi Triều Tiên phóng tên lửa và thử hạt nhân.


Song, điều đáng nói hơn cả là trong khi tỏ ra ngày càng lạnh nhạt với đồng minh thì Bình Nhưỡng lại có những động thái xích lại gần Tokyo, đối trọng của Bắc Kinh trong khu vực. Sau nhiều vòng đàm phán về vấn đề các công dân Nhật Bản bị bắt cóc vào những năm 1970-1980, quan hệ Nhật-Triều đã có nhiều thay đổi tích cực và chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới CHDCND Triều Tiên được lên kế hoạch trong năm nay là minh chứng rõ rệt cho sự cải thiện đó. Bình Nhưỡng cũng đang nỗ lực chuyển sang tìm kiếm đầu tư và viện trợ từ Tokyo và dĩ nhiên, động thái này không khỏi làm mất lòng các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Do vậy, chuyến thăm tới Seoul của Chủ tịch Tập Cận Bình phần nào thể hiện rõ sự thất vọng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.


Tạo liên minh chống Nhật

Ngoài CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản cũng là mục tiêu thứ hai mà Trung Quốc nhắm đến trong chuyến công du này. Giữa lúc quan hệ Nhật-Hàn đang ở mức thấp nhất, liên quan đến những khúc mắc từ trong quá khứ và những mâu thuẫn gần đây về tranh chấp chủ quyền biển đảo, thì thời điểm này quả thật là cơ hội “vàng” để Bắc Kinh lôi kéo Seoul tạo liên minh chống Nhật. Việc chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực thực hiện các bước đi để giải thích lại bản Hiến pháp hòa bình, qua đó cho phép quân đội nước này có thể thực hiện quyền phòng vệ tập thể, khiến cả Bắc Kinh và Seoul cùng phản ứng gay gắt cũng là cái cớ để Trung-Hàn xích lại gần nhau.


Ý đồ tăng cường lôi kéo Hàn Quốc của Trung Quốc cũng rất rõ ràng, thể hiện ở chuyến thăm tiền trạm của Bộ tưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến Seoul cuối tháng trước. Trong chuyến đi đó, ông Vương Nghị không dấu giếm ý đồ công khai tuyên bố Trung Quốc và Hàn Quốc cần bắt chặt tay nhau, vượt qua khuôn khổ mối quan hệ song phương, hướng ra châu Á và thế giới, mở ra không gian phát triển chung rộng lớn hơn.


Phá thế cô lập

Không chỉ tạo liên minh chống Nhật, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hàn Quốc còn nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hàn Quốc trong bối cảnh tình hình và bố cục chiến lược Đông Bắc Á đang có nhiều diễn biến phức tạp bất lợi cho Trung Quốc. Những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc gần đây liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản trên biển Hoa Đông và hàng loạt các nước Đông Nam Á ở trên Biển Đông đã thúc đẩy Mỹ can dự ngày càng sâu hơn vào khu vực. Cuối tháng 4/2014, lần đầu tiên Mỹ tuyên bố đưa đảo Senkaku của Nhật Bản vào nhiệm vụ bảo vệ của Mỹ, đồng thời tuyên bố ủng hộ các nước ASEAN trong cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Những động thái này khiến Trung Quốc trở nên cô lập, tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Hàn Quốc đương nhiên giảm áp lực cho Trung Quốc trước công luận.  


Tuy nhiên, để có được sự ủng hộ thực sự từ Seoul, dư luận cho rằng Bắc Kinh phải mất rất nhiều thời gian mà không chắc sẽ đi đến đích. Xuất phát từ quan hệ chặt chẽ của đồng minh Mỹ-Hàn hiện nay, đặc biệt là việc Mỹ vẫn đóng quân ở Hàn Quốc, không dễ gì Hàn Quốc hoàn toàn đi theo ý đồ của Trung Quốc để nhằm đổi lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh trong ngắn hạn.


Nhưng có một điều rõ ràng rằng những mối quan hệ đan xen phức tạp trong khu vực sẽ có những động thái mới sau chuyến thăm này. Rõ ràng, Bắc Kinh đã và đang có những bước đi mới, củng cố sức mạnh nhằm thực hiện tham vọng bá chủ trong khu vực./.

Phản hồi

Các tin/bài khác