Chuyến đi khẳng định lợi ích chiến lược của Mỹ ở Châu Á

(VOV5) - Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry bắt đầu chuyến thăm 3 nước châu Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy không phải là chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi ông John Kerry trở thành Ngoại trưởng Mỹ nhưng với những thông điệp được úp mở trước thềm chuyến đi cho thấy chính sách hướng về châu Á vẫn được chính quyền Tổng thống Barak Obama đặc biệt chú trọng.


Chuyến đi khẳng định lợi ích chiến lược của Mỹ ở Châu Á  - ảnh 1
Ngoại trưởng Kerry. (ảnh: AP)


Chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng John Kerry được xem là minh chứng cho tuyên bố trước đó của ông với người đồng cấp Australia Bob Carr khi đang ở thăm Washington, hồi tháng 3 vừa qua, là sẽ kiên trì với chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với Châu Á giống như người tiền nhiệm Hillary Clinton, thậm chí ông sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn tới châu lục này. Theo lịch trình, ông John Kerry sẽ sang thăm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc sau khi tham dự  cuộc họp của Bộ trưởng các nước thuộc nhóm G8 tại London trong 2 ngày 10 và 11/4. Mục đích của chuyến thăm được gói gọn trong tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland rằng Ngoại trưởng sẽ tiếp tục khẳng định cam kết của chính quyền về việc mở rộng và thúc đẩy an ninh, kinh tế và những lợi ích chiến lược khác của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình dương. Cũng theo bà Victoria Nuland, ông John Kerry dự kiến sẽ thảo luận về nhiều vấn đề song phương, đa phương và khu vực cũng như hợp tác kinh tế và môi trường. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân cũng những hành động leo thang căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên sẽ là nội dung chủ yếu của các cuộc tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Mỹ với lãnh đạo 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là điều dễ hiểu khi chuyến thăm của ông Kerry diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng cao trong những ngày gần đây, với việc Bình Nhưỡng liên tiếp đưa ra những lời đe doạ tấn công Washington và Seoul, trong khi Mỹ điều các vũ khí hiện đại tới Hàn Quốc để tập trận. Phát biểu trước chuyến công du, Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định rằng Mỹ sẽ làm những gì cần thiết để tự bảo vệ mình và bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Washington đã chuẩn bị đầy đủ và có khả năng làm điều đó.


Đáp lại thiện chí của Ngoại trưởng John Kerry trước thềm chuyến thăm, ngày 5/4, Nhật Bản đã đưa ra báo cáo về chính sách đối ngoại thường niên, còn gọi là Sách Xanh Ngoại giao, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ an ninh Nhật - Mỹ trong việc duy trì ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo nêu rõ quan hệ Nhật - Mỹ là hòn đá tảng trong khu vực, nơi các bối cảnh an ninh đang xấu đi do chi phí quân sự gia tăng tại khu vực cũng như căng thẳng leo thang giữa các nước vì lợi ích lãnh hải. Báo cáo cũng khẳng định Nhật Bản sẽ tìm kiếm hợp tác với các nước, trong đó có Mỹ nhằm yêu cầu CHDCND Triều Tiên tuân thủ các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các thỏa thuận đạt được tại bàn đàm phán 6 bên.

Những lời khẳng định lạc quan liên tiếp được đưa ra nhân chuyến công du châu Á đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ nhưng điều đó không có nghĩa chính sách quay trở lại châu Á của Mỹ hoàn toàn thuận lợi, thậm chí còn được nhìn nhận là khá khó khăn khi mà các hương trình cắt giảm ngân sách đang được thực hiện tại Mỹ từng khiến Ngoại trưởng John Kerry nghi ngờ đối với các mục tiêu của chính sách ngoại giao này. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng muốn đánh giá lại chiến lược để phù hợp các thực tiễn ngân sách hiện nay.

Tiếp sau chuyến thăm 3 nước châu Á lần này của Ngoại trưởng John Kerry, 2 tháng sau, ông Kerry cũng sẽ quay trở lại châu Á để tham dự cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei vào tháng 6, thăm một số quốc gia Đông Nam Á trong dịp này. Những chuyến đi cho thấy châu Á, khu vực năng động nhất thế giới, chưa bao giờ ra khỏi tầm ngắm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Barak Obama./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác