(VOV5) - Chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc của ông Tập Cận Bình từ ngày 22-25/9 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bên cạnh nhiều ý kiến tỏ ra lạc quan, cũng có nhiều nghi ngờ về hiệu quả của chuyến thăm. Trong bối cảnh quan hệ song phương Mỹ-Trung đang tồn tại nhiều bất đồng, nghi ngại, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình được xem là khó có thể tạo ra bước đột phá.
Ông Tập Cận Bình tại cuộc gặp doanh nghiệp Trung -Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang tồn tại nhiều bất đồng, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng quan hệ song phương đang rơi vào “điểm bùng phát”. Thực tế, nhiều năm qua, cùng với sự xoay vần của thời cuộc toàn cầu, quan hệ Mỹ - Trung có những khác biệt rất lớn, ngày càng được mô tả bằng từ “cạnh tranh” hơn là “hợp tác”.
Hóa giải bài toán lòng tin
Những khía cạnh tiêu cực trong quan hệ song phương đang lan tràn khi hai nước luôn ở trong tình trạng tranh giành vai trò ảnh hưởng liên quan các vấn đề an ninh và kinh tế.
Mỹ luôn dè chừng Trung Quốc khi phải chứng kiến các hoạt động trỗi dậy “không mấy hòa bình” gần đây của Trung Quốc, nhất là việc Bắc Kinh tỏ ra ngày càng hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng, trong đó có các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Philippines. Bên cạnh đó là nhiều vấn đề khác như an ninh mạng, sáng kiến Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á hay những cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng Nhân dân tệ. Trong khi đó ở chiều ngược lại, Trung Quốc luôn cho rằng chiến lược tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương của Washington chính là nhằm mục đích kìm hãm sự phát triển “bình thường” của Bắc Kinh. Theo Trung Quốc, Mỹ đang tập hợp các quốc gia có xung đột chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ở khu vực, thách thức cửa ngõ tiến ra biển của nước này, khiến lợi ích biển của Trung Quốc bị cản trở. Chính vì vậy, trong chuyến thăm này, một nhiệm vụ hết sức khó khăn là hai bên phải làm sao tạo được lòng tin đối với nhau. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải cố gắng thuyết phục giới lãnh đạo Mỹ nhận thức đúng về chiến lược phát triển của Trung Quốc, để không có cái nhìn tiêu cực đối với sự phát triển lớn mạnh gần đây cũng như định hướng gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc.
Còn về phía Nhà Trắng, Tổng thống B.Obama cũng sẽ phải cố gắng chứng minh rằng chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương không đồng nghĩa với cuộc đọ sức quân sự ở khu vực này. Và cả Mỹ và Trung Quốc cần nhận thức việc cạnh tranh gay gắt sẽ khiến hai bên tổn hại, hai nước cần bảo vệ lợi ích chiến lược của nhau thông qua phương thức hợp tác chặt chẽ, bổ sung ưu – khuyết điểm cho nhau.
Kinh tế sẽ chiếm vị trí trọng tâm
Trong bối cảnh đó, trọng tâm của chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, theo các chuyên gia phân tích, nằm ở lĩnh vực hợp tác kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Tập Cận Bình chọn Seatle là điểm dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du Mỹ lần này. Bởi Seatle chính là trung tâm công nghệ hàng đầu của Mỹ và thế giới, đồng thời là quê hương của những tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon. Ngoài ra còn có một loạt các công ty của Mỹ như Boeing, Starbucks đang có hoạt động kinh doanh lớn tại Trung Quốc. Vì vậy, đây chính là mục tiêu mà Trung Quốc đang hướng tới để phục vụ lợi ích an ninh-kinh tế lâu dài của mình. Chuyến thăm Seattle của ông Tập chủ yếu nhằm trấn an các doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng hoài nghi về cách thức giải quyết vấn đề của Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài. Mối quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ- Trung là động lực để thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước trong thời gian qua. Trong năm 2014, xuất khẩu của Mỹ tới Trung Quốc đạt 120 tỉ USD Mỹ và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của hàng hóa Mỹ. Nhưng trên thực tế, cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc. Từ tháng 8/2015, tỷ giá đồng nhân dân tệ với đô la Mỹ tăng cao cũng làm dấy lên mối quan ngại rằng Trung Quốc đang nỗ lực phá giá đồng nội tệ để làm lợi cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Vì thế, một trong những mục tiêu trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình là tái cam kết với các nhà đầu tư rằng Trung Quốc sẽ phát triển các thị trường vốn theo hướng mở cửa và minh bạch hơn, đồng thời khẳng định không phá giá đồng nội tệ.
Đã từ lâu, Washington vẫn giữ quan điểm rằng “quan hệ nước lớn kiểu mới” chỉ là một khái niệm và họ không quan tâm đến việc tìm ra nội hàm thực chất của nó. Washington hiện quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng các vấn đề cụ thể trước mắt, trong khi Bắc Kinh lại bận tâm đến bức tranh tổng thể và kế hoạch dài hạn. Vì vậy, sự khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận cho thấy cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Obama sẽ không mang lại kết quả như mong muốn. Có chăng, chỉ là hy vọng về bước tiến mới trong đàm phán Hiệp định đầu tư thương mại song phương, vốn được khởi động từ năm 2008, tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này. Có nhiều lý do để lạc quan, bởi trong khi các vấn đề gai góc khác như biển Đông, an ninh mạng, thao túng tỷ giá.., được cho là khó có cơ hội đạt được thỏa thuận thì một bước tiến trong lĩnh vực thương mại song phương là điều hoàn toàn có khả năng được hai bên tập trung hướng tới.