(VOV5) - Khả năng khôi phục giá dầu lên mức cao một cách nhanh chóng, vẫn còn là bài toán chưa có đáp án
Sau nhiều nỗ lực của các bên liên quan, ngày 12/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi chung là OPEC+), đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô quy mô lớn, mở ra triển vọng lớn về khôi phục giá và bình ổn thị trường “vàng đen” của nhân loại.
Theo thỏa thuận đạt được trong một cuộc họp trực tuyến cuối tuần qua, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% sản lượng khai thác toàn cầu, trong 2 tháng 5+6/2020. Đây được coi là kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô mang tính lịch sử, nhằm ngăn chặn đà suy giảm của giá dầu thô, ổn định thị trường dầu mỏ thế giới. Trước hết, tiến triển này đã tạm thờikhép lại cuộc chiến giá dầu khốc liệt Nga-Saudi Arabia thời gian qua, đồng thời phản ánh nhu cầu hợp tác giữa các bên liên quan. Ngay lập tức, dư luận thế giới và thị trường dầu mỏ toàn cầu đã có những phản ứng tích cực, khẳng định hướng đi đúng đắn của OPEC+. Tuy nhiên, khả năng khôi phục giá dầu lên mức cao một cách nhanh chóng, vẫn còn là bài toán chưa có đáp án, khi mà nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Những cam kết cắt giảm sản lượng mạnh tay và phản ứng tích cực của thị trường dầu mỏ thế giới
Theo các nguồn đáng tin cậy, ngoài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 5+6 năm nay, OPEC+ còn có kế hoạch tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm, cho đến tháng 4/2022. Bên cạnh đó, OPEC+ cũng hối thúc các nhà sản xuất ngoài OPEC như Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cắt giảm thêm 5% sản lượng khai thác, tương đương 5 triệu thùng dầu/ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Abdulaziz bin Salman Al-Saud chủ trì hội nghị truyền hình. Ảnh: Reuters
|
Đặc biệt, Saudi Arabia cho biết mức cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể lên tới 12,5 triệu thùng/ngày, do sản lượng dầu của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait đã gia tăng kể từ tháng 4/2020. Theo Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, từ tháng 4/2020, Saudi Arabia, nước khai thácvà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã sản xuất 12,3 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn mức 11 triệu thùng/ngày mà nước này đã đưa ra trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới của OPEC+, tức mức cắt giảm mà nước này thực hiện trên thực tế sẽ vào khoảng 3,8 triệu thùng/ngày.
Trước những tiến triển này, thị trường dầu thô thế giới đã lập tức có phản ứng tích cực.Theo đó, chỉ một ngày sau thỏa thuận, giá dầu WTI của Mỹ đã bật tăng 6,1%, lên mức 24,15 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 3,9%, lên mức 32,71 USD/thùng. Nhiều chuyên gia dự báo, đà tăng giá dầu có thể tiếp tục được duy trì trong những ngày tới, dù mức tăng không lớn.
Dầu thô chưa thể sớm khôi phục mức giá cao
Mặc dù vậy,giới chuyên gia vẫn thận trọng cho rằng, giá dầu thô khó có thể sớm khôi phục mức cao (trên 50 USD/thùng) vì nhiều lý do. Trong đó, nguyên nhân chính là bởi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày, tương đương 30% nguồn cung trên toàn thế giới, do tác động từ những biện pháp đối phó đại dịch Covid-19. Vì vậy, ngay cả khi OPEC+ đạt được tổng mức cắt giảm 15 triệu thùng/ngày trên thực tế,thì nguồn cung hiện hữu vẫn cao hơn nhiều so với nhu cầu, khó lòng có thể giúpkhôi phục giá dầu một cách nhanh chóng.Ngoài ra, còn phải tính đến những rủi ro khác có thể khiến nguồn cung dầu mỏ toàn cầu gia tăng, khi vẫn còn khá nhiều nhà khai thác nằm ngoài thỏa thuận của OPEC+. Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến nguy cơ phá vỡ cam kết cắt giảm sản lượng của các quốc gia tham gia thỏa thuận, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn tiến phức tạp và khó lường như hiện nay.
Rủi ro và thách thức là vậy, song vẫn phải khẳng định rằng, thỏa thuận cắt giảm giá dầu vừa đạt được là một tiến triển quan trọng đối với nỗ lực bình ổn giá dầu thế giới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến hết sức phức tạp và cuộc cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ thế giới vẫn được nhận định là còn rất khốc liệt.