(VOV5) -Ngày 20/6, Mỹ và Iran đã từng bước tiến gần đến bờ vực chiến tranh khi Iran bắn rơi một chiếc máy bay không người lái của Mỹ gần eo biển Hormuz.
Căng thẳng đẩy lên đến đỉnh điểm, tuy không xảy ra một cuộc tấn công bằng vũ lực nào nhắm vào Iran như lo ngại, nhưng một cuộc tấn công mạng nhằm làm tê liệt hệ thống kiểm soát tên lửa của Iran và các lệnh trừng phạt bổ sung là có thật. Giữa lúc này, căng thẳng vẫn chưa hạ nhiệt và các cuộc ngoại giao con thoi dường như vẫn chưa phát huy tác dụng giúp giảm căng thẳng ở khu vực này.
Kể từ tháng 4, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên xấu đi nghiêm trọng, khi Washington chấm dứt tình trạng miễn trừ trừng phạt, cấm tất cả hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Trong khi đó, Tehran đã đe dọa rằng nếu việc xuất khẩu dầu của họ bị dừng lại, thì họ sẽ không cho phép dầu đi qua eo biển Hormuz.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei ( phải)
Ảnh minh họa/ TTXVN-VNA |
Vụ tấn công tàu dầu trên vịnh Oman tiếp tục đẩy mâu thuẫn Mỹ-Iran đi xa hơn khi Washington khăng khăng cáo buộc Tehran là thủ phạm, trong khi quốc gia Trung Đông này bác bỏ cho rằng đây là cáo buộc vô căn cứ. Đỉnh điểm, căng thẳng Mỹ-Iran bị đẩy lên cao với những tranh cãi sau vụ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắn hạ máy bay do thám chiến lược không người lái của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã chuẩn bị phát động một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào quốc gia Hồi giáo này nhưng thay đổi vào phút chót, thay vào đó, Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran từ ngày 24/6.
Nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự lớn ?
Cho đến thời điểm này, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông không có ý định đi đến chiến tranh với Iran, trong khi Iran cũng thể hiện lập trường không mong muốn xảy ra chiến tranh, song tuyên bố cứng rắn từ các bên cùng lệnh trừng phạt mới cho thấy nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran là rất lớn. Cơ quan hàng không liên bang Mỹ đã ban hành lệnh khẩn cấp, theo đó cấm các hãng hàng không của Mỹ thực hiện các chuyến bay qua không phận do Tehran kiểm soát ở eo biển Hozmuz và vịnh Oman. Trong khi đó, Iran cảnh báo với phía Mỹ rằng bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này đều để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với những lợi ích của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Người phát ngôn Bộ tham mưu các lực lượng vũ trang Iran, chuẩn tướng Abolfazl Shekarchi, thậm chí tuyên bố sẽ đốt cháy khu vực nếu Mỹ và các đồng minh phạm sai lầm quân sự.
Trước những diễn biến căng thẳng trên, cộng đồng quốc tế đang tích cực tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24/6 khẳng định các bên cần thoái lui khỏi một cuộc đối đầu quân sự. Tuyên bố của Hội đồng bảo an kêu gọi tất cả các bên liên quan và các nước trong khu vực phải kiềm chế tối đa, thực thi các biện pháp và hành động giảm leo thang căng thẳng; hối thúc xử lý khác biệt bằng biện pháp hòa bình và thông qua đối thoại.
Trước đó, ngày 23/6, bộ trưởng phụ trách vấn đề Trung Đông của Bộ Ngoại giao Anh, ông Andrew Murrison, cũng tới Iran để tổ chức các cuộc thảo luận với chính quyền Tehran. Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao từ phía Anh dường như không đem lại kết quả khi Iranthẳng thắn cho rằng hiện tại không phải là thời điểm để Iran đối thoại với Mỹ, bởi Iran không thể đối thoại được với một nước đang đe dọa mình.
Rủi ro của chính sách “bên miệng hố chiến tranh”
Từ những diễn biến trên, giới chuyên gia cho rằng, dẫu có căng thẳng, nhưng những động thái leo thang căng thẳng gần đây từ cả Mỹ và Iran có thể là những “đòn cân não” để nắn gân, gây sức ép đối với đối thủ nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng.
Chắc chắn Tổng thống D.Trump không muốn có chiến tranh với Iran vào thời điểm chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai đã bắt đầu. Một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Iran có thể dẫn tới nhiều nguy cơ: Tehran trả đũa, rủi ro từ cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông khiến các lợi ích của Mỹ và đồng minh khu vực chắc chắn bị ảnh hưởng, chưa kể Washington có thể bị “sa lầy” vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Trung Đông rơi vào khủng hoảng tất yếu làm gia tăng giá dầu thô toàn cầu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn là yếu tố quyết định lá phiếu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Về phần Iran, nước này đang cho thấy không chấp nhận đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới theo các điều kiện Mỹ nêu ra. Hành động cứng rắn bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ cũng có thể xem là “quân cờ mặc cả” của Iran trước khi ngồi vào bàn đàm phán.
Với việc hai nước đều thực hiện các bước đi cứng rắn, chưa chấp nhận nhượng bộ, vòng tròn luẩn quẩn trả đũa lẫn nhau sẽ gia tăng, khi đó những tính toán sai lầm rất có thể đẩy hai nước vào tình trạng đối đầu quân sự trực diện vì chính sách “bên miệng hố chiến tranh” có mức độ rủi ro rất cao. Hơn nữa, hậu quả của chính sách này trước hết sẽ khiến Trung Đông bất ổn, tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố tiếp tục tồn tại và phát triển, khuyến khích chạy đua vũ trang tại khu vực.