Cơ hội và thách thức khi Croatia gia nhập EU

(VOV5) - Kể từ ngày 1/7, Croatia đã trở thành thành viên chính thức thứ 28 của Liên minh châu Âu (EU) sau 10 năm đệ đơn và 7 năm nỗ lực thực hiện các yêu cầu mà EU đặt ra. Đây được coi là một mốc quan trọng đối với sự phát triển của Croatia nhưng cũng đặt ra cho quốc gia vùng Bankal này không ít thách thức.


Cơ hội và thách thức khi Croatia gia nhập EU - ảnh 1

Để trở thành thành viên Liên minh châu Âu, Croatia đã phải trải qua 7 năm cải cách, trong đó có việc thực hiện yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC) về đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tái phục hồi thị trường lao động, kiểm soát tham nhũng, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và hợp tác với Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ. Đây là một chặng đường dài và nhiều khó khăn.

Có lẽ thế mà thời điểm Croatia gia nhập EU mang nhiều ý nghĩa hơn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso trong lời phát biểu chúc mừng đã nhấn mạnh châu Âu sẽ trở thành ngôi nhà chung của Croatia và mang đến tương lai tốt đẹp hơn. Tổng thống Croatia Ivo Josipovic thì khẳng định việc chính thức gia nhập EU đã mở ra một chương mới trong lịch sử lâu đời của dân tộc.

Sở dĩ người đứng đầu quốc gia vùng Bankal khẳng định như vậy vì theo ước tính, việc gia nhập EU sẽ mang lại cho đất nước hơn 4,4 triệu dân này gần 12 nghìn tỷ euro tiền viện trợ, đó là chưa tính đến tiềm năng thu ngân sách từ du lịch sẽ tăng khi Croatia xóa bỏ biên giới địa lý với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Trước đó, tại phiên họp Quốc hội đặc biệt ngày 29/6, Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic cũng thừa nhận việc Croatia gia nhập EU sẽ tạo ra triển vọng hoàn toàn mới đối với đất nước và một thế giới mới đối với người dân. Một năm trước đây, chính Thủ tướng  Zoran Milanovic trấn an dân chúng rằng tình hình kinh tế của châu Âu đang suy giảm nhưng Croatia không có lựa chọn nào tốt hơn hiện nay ngoài EU.

Trái với giới chức Croatia, người dân quốc gia thuộc liên bang Nam Tư cũ không còn mấy hào hứng với việc Croatia là thành viên EU. Nếu như kết quả những cuộc thăm dò dư luận năm 2003 cho thấy có đến 80% người được hỏi cho biết mong muốn đất nước trở thành thành viên EU thì 9 năm sau, con số này giảm còn 67%. Nguyên nhân là trong quá trình đàm phán, Zagreb đã phải thực hiện nhiều điều kiện ngặt nghèo mà EU đưa ra và đặc biệt, khủng hoảng nợ công từ năm 2008 đã cho thấy một hình ảnh nhạt nhòa của châu Âu. Thậm chí, nhiều người dân còn bi quan cho rằng sẽ không có gì tốt đẹp hơn. Giá cả sẽ gia tăng và người lao động Croatia sẽ trở thành nhân công giá rẻ.

Hơn thế, giới phân tích nhận định ít có khả năng Croatia sẽ được hưởng lợi từ việc gia nhập EU trong ngắn hạn. Cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng đã tác động xấu tới Croatia trong 5 năm qua. Cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao tới mức kỷ lục (21% lực lượng độ tuổi lao động), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của Croatia thấp hơn mức trung bình trong EU 39%. Nhật báo Bild của Đức cảnh báo thành viên mới nhất của EU có nguy cơ trở thành một Hy Lạp kế tiếp. Ngoài ra, trong kinh doanh, sau khi gia nhập EU, các hàng hoá của Croatia sẽ phải tuân theo một loạt tiêu chuẩn, quy định của Liên minh này. Những công ty nhà nước làm ăn thua lỗ sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp tái cấu trúc mạnh mẽ để có thể cạnh tranh trong môi trường khắc nghiệt, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và điện lực.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà Croatia được hưởng khi gia nhập EU. Tuy nhiên những thách thức đặt ra đối với một trong những quốc gia nghèo nhất Liên minh châu Âu này là không nhỏ, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ở lục địa già chưa có hồi kết. Chỉ khi nào Croatia giải thành công bài toán này thì dư luận mới hết hoài nghi về một chương mới trong lịch sử của Croatia./.

Phản hồi

Các tin/bài khác