Cơ hội và thách thức từ làn sóng người nhập cư vào Châu Âu

(VOV5)- Bên cạnh thách thức, người di cư có những đóng góp tích cực vào guồng máy kinh tế của những nước tiếp nhận.

Châu Âu đang đối mặt với làn sóng di cư nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều thập kỷ. Một Châu Âu sẽ ngày càng bất ổn, hỗn loạn, mất đi bản sắc, là những nhận định được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, mới đây các chuyên gia phân tích kinh tế lại đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược, rằng bên cạnh thách thức, người di cư có những đóng góp tích cực vào guồng máy kinh tế của những nước tiếp nhận người nhập cư, thậm chí còn giúp giải quyết tình trạng nhân lực đang lão hóa ở Châu Âu. 


Từ đầu năm đến nay, theo ước tính của Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), đã có khoảng hơn nửa triệu người nhập cư tới Châu Âu. Trong đó, riêng Syria có gần 350 nghìn người xin tị nạn trong tổng số hơn 4 triệu người Syria vì chiến tranh và đói nghèo đi tìm cuộc sống mới ở các quốc gia bên ngoài lãnh thổ. Hiện tại, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người tị nạn vẫn không ngừng đổ vào các nước Châu Âu, bất chấp những nguy hiểm luôn rình rập trên cuộc hành trình với hy vọng thoát khỏi chiến tranh. 


Cơ hội và thách thức từ làn sóng người nhập cư vào Châu Âu - ảnh 1


Lợi ích mà người nhập cư mang đến

Theo báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) từ năm 2014, người nhập cư chiếm tới 70% lực lượng lao động tăng thêm ở Châu Âu trong 10 năm qua. Người nhập cư đã giúp gia tăng độ tuổi lao động, bổ sung lao động vào các ngành đang sụt giảm lực lượng lao động nghiêm trọng. Các quốc gia tiếp nhận cần người nhập cư nhiều năng lượng, sức trẻ và kỹ năng để làm những việc mà dân bản địa vì lý do nào đó không thể, hoặc không muốn làm.


Theo thống kê, số người di cư vào EU đã tăng gấp 3 lần trong năm nay, dự kiến cuối năm sẽ vào khoảng 2 triệu người, khiến cho lượng cầu ở khu vực này tăng vọt. Nhờ vậy, GDP của khu vực EU cũng tăng thêm, mang đến tác động tích cực trong ngắn hạn. Về lâu dài, những người di cư có thể trở thành những người đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của các quốc gia tiếp nhận. Các chuyên gia cho rằng do tỷ lệ sinh ở Châu Âu trong hàng thập kỷ qua quá thấp nên hiện nay khu vực này hầu như không có những người lao động trẻ và năng động. Và chính những người di cư đến từ những quốc gia nghèo đói và chiến tranh, sẽ bổ sung ngay vào sự thiết hụt đó của Châu Âu. Sự tham gia lao động của người di cư sẽ giúp tăng GDP, những khoản thuế mà người di cư phải đóng sẽ giúp chính phủ cân bằng ngân sách. 


Trước nay, người ta thường duy trì suy nghĩ rằng người di cư đa số là người nghèo sống dựa vào tiền thuế của các nhóm giàu có trong xã hội. Trên thực tế, phần đông nhóm dân di cư này lại làm việc rất chăm chỉ và nhận mức lương thấp hơn người bản địa. Do vậy, xét về khía cạnh kinh tế, những người nhập cư không nên được xem là gánh nặng kinh tế cho nước tiếp nhận. 


Cơ hội có lớn hơn thách thức?

Nói như vậy không có nghĩa là bức tranh người di cư vào Châu Âu hiện nay chỉ toàn màu hồng. Tiếp nhận thêm người tị nạn có nghĩa là quốc gia đó đối mặt với rất nhiều bất ổn.


Trước hết là vấn đề hòa nhập trong xã hội mới. Người di cư, vốn là những người trước đây từng sống trong nguy hiểm và nghèo đói, sẽ phải hòa nhập như thế nào với người bản địa, những người lâu nay vẫn sống trong an toàn và sung túc? Đây là câu hỏi mà cho đến nay trên thực tế các nhà kinh tế học vẫn chưa có lời giải kỹ càng. Không thể hòa nhập tốt với môi trường xã hội mới lâu dần sẽ tạo nên sự kỳ thị, phân tầng trong xã hội, là mầm mống gây ra những bất ổn. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi trên thực tế, vài tháng gần đây, các cuộc biểu tình phản đối người nhập cư liên tiếp xảy ra ở các quốc gia Châu Âu, đặc biệt là kể từ sau khi khu vực này thống nhất việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Trong khi tình trạng thất nghiệp gia tăng (Pháp hiện đang đối phó với tỷ lệ thất nghiệp 11% trong khi con số này ở Tây Ban Nha và Hy Lạp lần lượt là 22% và 25%), việc tiếp nhận thêm người di cư sẽ tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Làn sóng người di cư đổ về sẽ khiến quỹ an sinh xã hội, vốn được đóng góp bởi người dân bản địa để dành cho y tế, hỗ trợ thất nghiệp, lương hưu và giáo dục, bị vắt kiệt. 


Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là làn sóng người di cư có thể trở thành “bình phong” để tội phạm và khủng bố trà trộn vào châu Âu. Thống kê mới đây nhất của các cơ quan an ninh EU, tại Đức, đã có khoảng 100 người xin tị nạn bị nghi là tội phạm. Và cứ 100 người tị nạn Syria nhập cư vào châu Âu có 2 nghi phạm là chiến binh của tổ chức khủng bố IS. 


Có lẽ chưa bao giờ châu Âu phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức như hiện nay. Khủng hoảng tài chính vẫn chưa hết tác động thì nay, các nước châu Âu lại phải vất vả đối phó với làn sóng di dân kỷ lục. Rõ ràng, bên cạnh những cái “được” ít ỏi mà người nhập cư mang đến, các nước Châu Âu cũng sẽ phải “mất” rất nhiều. Không chỉ mất an toàn hơn, làn sóng di cư còn đe dọa nghiêm trọng đến bản sắc Châu Âu mà khu vực này bao năm cố công gìn giữ.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác