(VOV5) - Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hoá Việt Nam.
Trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định một trong những động lực chủ yếu để phát triển đất nước là chính sách đại đoàn kết toàn dân. Đảng và Nhà nước luôn coi trọng đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Theo tinh thần đó, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo... đã luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày hội đại đoàn kết dân tộc đang diễn ra ở khắp các khu dân cư trong những ngày này là minh chứng rõ nét về vấn đề này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống, kề vai sát cánh với nhau và có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hoá Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng Việt Nam.
Nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về đoàn kết toàn dân
Đảng đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản được nêu rõ trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc. Theo đó, vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong mọi giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam nêu rõ: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ trương, chính sách về tăng cường đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam lấy “mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng” để đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo.
Ảnh minh họa/ Nguồn Làng Việt |
Do những chính sách đúng đắn này mà trên thực tế, khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam ngày càng được củng cố. Các dân tộc có dân số dù ít hay nhiều, ở trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam đều đoàn kết, thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, luôn tôn trọng lẫn nhau về lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán của các dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 14% dân số cả nước, ngày càng có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Đồng bào tín đồ các tôn giáo chiếm gần 27% dân số cả nước, cũng tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.
Không gì lay chuyển được khối đại đoàn kết toàn dân
Trước những diễn biến phức tạp trên thế giới hiện nay và ở trong nước liên quan đến khối đại đoàn kết toàn dân, các cấp, các ngành ở Việt Nam đã tăng cường vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo thực hiện chính sách về đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là các nội dung liên quan đến vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp năm 2013. Chính quyền các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền giúp người dân hiểu âm mưu xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam; nắm bắt kịp thời nguyện vọng, tình hình đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, tôn giáo để có giải pháp phù hợp giúp đồng bào xây dựng và phát triển cộng đồng.
Nhà nước Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện, thể chế hóa, cụ thể hóa hệ thống đường lối, chính sách, pháp luật để “bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và thực thi chính sách đoàn kết dân tộc trong thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về dân tộc, tôn giáo, chính sách xã hội tiếp tục hướng đến khuyến khích, động viên, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhà nước cũng có những chính sách cụ thể, quan tâm mọi mặt đối với các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, nhất là chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, tạo điều kiện để họ khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà nước cũng thực sự tôn trọng và tạo điều kiện, cơ hội để nhân dân tham gia thảo luận, góp ý những vấn đề quan trọng của đất nước; phổ biến sâu rộng và thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc đang đặt ra. Chính quyền các cấp cũng thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin yêu và tôn trọng dân. Những quan điểm, chủ trương nhất quán về đại đoàn kết dân tộc và những thành quả thực sự trong vấn đề này cho thấy là sẽ không gì có thể lay chuyển được khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.