Cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU

(VOV5) - Tỷ lệ cử tri ủng hộ Anh ra đi khỏi Liên minh Châu Âu (EU) đã thắng sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý của Anh về việc ở lại hay rời khỏi EU (Brexit) diễn ra ngày 23/6. Với kết quả này, các thị trường tài chính khu vực và toàn cầu đã có những biến động mạnh đầu tiên. Tác động của lá phiếu "ra đi" có thể sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường ở trong và ngoài nước Anh, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng có thể định hình lại Châu Âu trong thời gian tới.

Cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU - ảnh 1
Ông Nigel Farage tuyên bố 23/6 nên được xem là "Ngày Độc lập của người Anh" (Nguồn: Reuters)


Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ chính thức vào sáng nay (24/6), có 51,89% phiếu đồng ý rời EU trong khi chỉ có 48,11% phiếu chọn ở lại. Như vậy, cử tri Anh đã chính thức lựa chọn việc rời khỏi Liên minh châu Âu. Chủ tịch đảng Độc lập Anh (UKIP) và cũng là tiếng nói chính ở phe ủng hộ Brexit, tuyên bố chiến dịch Brexit giành chiến thắng và ngày 24/6 đã đi vào lịch sử nước Anh như "Ngày Độc Lập". 


Những hệ quả trước mắt của Brexit


Các định chế tài chính, hãng sản xuất lớn, thị trường tài chính toàn cầu đã có phen chao đảo ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố. Tính đến thời điểm hiện tại, hàng loạt chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán châu Á như Nikkei của Nhật, Shanghai Composite của Trung Quốc, Hang Seng của Hongkong, đều đồng loạt giảm mạnh. Trên thị trường tiền tệ, đồng bảng Anh lao dốc thẳng đứng với biên độ giảm 8,3%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Đồng EUR cũng tụt từ mức cao nhất 6 tuần do tác động của Brexit. Ngược lại, nhiều ý kiến nhận định việc người dân chọn Brexit, nền chính trị Anh có thể rơi vào hỗn loạn.


Tác động rõ ràng đầu tiên đối với Anh là nguy cơ “tan đàn xẻ nghé". Song, Brexit có thể tạo ra một tiền lệ không tốt cho các thành viên trong Liên hiệp Vương quốc Anh như Scotland và Xứ Wales đang manh nha ý định muốn tách khỏi Anh. Sự chia tay của Anh cũng sẽ đẩy EU vào giai đoạn bất ổn mới. Anh ra đi đồng nghĩa với việc EU mất đi một thành viên quan trọng vốn có tiếng nói lớn trong các quyết sách của EU. Hiệu ứng dây chuyền của Brexit còn ảnh hưởng trực tiếp tới một số nước châu Âu khác, có thể đẩy liên minh EU đứng trước nguy cơ tan rã.


Ra đi, được nhiều hơn mất?


Việc Anh rời khỏi EU sẽ kéo theo nhiều tác động tiêu cực, theo các nhà phân tích nhận định. Ước tính, Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng các ngân hàng quốc tế lớn như Bank of America, Morgan Stanley hay Citigroup sẽ chuyển sang một nước EU khác để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn chứ không còn mặn mà với Anh như trước. Hãng Rolls-Royce chuyên sản xuất hệ thống năng lượng, vũ khí và hàng không-không gian hồi đầu tuần này cho rằng Brexit có thể khiến nhà máy thử nghiệm bộ phận động cơ xe ở Đức đứng trước nhiều rủi ro, cũng như khiến lợi thế cạnh tranh rơi vào tay các đối thủ Mỹ. Mối quan ngại của nhà lãnh đạo doanh nghiệp này là tâm trạng chung của nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Anh hiện nay, bởi hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia vốn có sự kết nối rộng khắp toàn châu Âu. Ngoài ra, các chuyên gia dự báo đồng bảng Anh cũng sẽ rớt giá 14-15% chỉ trong vòng một năm, đẩy nước Anh đứng trước nguy cơ mất đi vị trí trung tâm tài chính toàn cầu. 


Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, Brexit còn có thể kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU, có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội.


Kết quả Anh rời khỏi EU không hoàn toàn bất ngờ vì trong suốt 4 tháng vận động quyết liệt của cả hai phe, nhiều người đã tiên đoán được kịch bản Brexit. Cho dù EU đã có nhiều sự nhượng bộ thông qua việc trao cho Anh "quy chế đặc biệt" và các nhà lãnh đạo Anh và châu Âu, cũng như các chuyên gia kinh tế liên tục vẽ ra những viễn cảnh ảm đảm đối với việc Anh rời EU thì rốt cuộc người dân Anh vẫn có sự lựa chọn riêng của họ. Nhiều công dân Anh cho rằng họ phải gánh trách nhiệm quá lớn của chính phủ, do Anh được coi là một trong những trung tâm lớn của EU và phải đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân sách của châu Âu. Bản thân những người ủng hộ Anh ở lại EU cũng phải thừa nhận rằng Anh chỉ có thể hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách.


Sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ tác động lớn đến khối EU vốn chưa bền vững về thể chế. Việc người dân Anh quyết định rời khỏi EU không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực và toàn cầu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị của cả nước này lẫn EU. Với kết quả Brexit, giới phân tích cho rằng nước Anh sẽ bước vào thời kỳ mới với một tương lai chưa thể khẳng định là tốt hơn, trong khi EU sẽ chứng kiến một bước lùi đáng kể trong những nỗ lực xây dựng một liên minh hùng mạnh kể từ Chiến tranh Thế giới II.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác