(VOV5) - Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đoàn cấp cao Việt Nam hôm nay thăm cấp nhà nước tới Italia và thăm Tòa thánh Vatican. Chuyến thăm kéo dài đến ngày 25/11. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt trong việc củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Italia, đồng thời đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican vững chắc hơn trong thời gian tới.
Nằm ở phía Nam châu Âu, Italia là một quốc gia có lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử La Mã cổ đại. Hiện nay, nền kinh tế đa dạng với nhiều ngành công nghiệp tiên tiến, Italia đang đứng hàng thứ 9 trên thế giới. Ngoài các đối tác truyền thống, Italia đang tập trung đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thương mại với các nền kinh tế mới nổi của châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Triển khai mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược
Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu những năm 90 được củng cố và phát triển rõ nét. Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90. Hai nước duy trì thường xuyên việc trao đổi đoàn ở cấp cao. Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Italy luôn khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á và là điểm đến của các doanh nghiệp Italy từ nay cho đến 2020. Đầu năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Italia.
|
Tổng thống Italy Sergio Mattarella. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia những năm qua tiếp tục được củng cố và tăng cường trên các phương diện, trong đó có việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và trao đổi đoàn cấp cao. Trong hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trong những năm qua. Nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italia đạt 3,3 tỷ USD, đến năm 2015 đạt 4,3 tỷ USD.
|
Họp vòng III Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican. Ảnh: dantri.com.vn |
Đến nay, Italia có 77 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn là 360 triệu USD, đứng thứ 31/112 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các lĩnh vực Italia đầu tư vào Việt Nam chủ yếu trong các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép. Đặc biệt, Chính phủ Italia đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư.
|
Các doanh nghiệp Italy đang hoạt động ở Việt Nam như Piaggio, Ariston… đều là doanh nghiệp sản xuất. (Nguồn: Piaggio Vietnam) |
Bên cạnh đó, Hợp tác văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam - Italia có những bước phát triển ổn định và vững chắc. Hàng năm, Bộ Ngoại giao Italia đều dành cho Việt Nam một số học bổng đào tạo cử nhân và cao học tiếng Italia. Chính phủ Italia đã phối hợp với UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu Khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí trên 435.000 USD. Ngoài ra, các bên cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần lễ, tháng văn hóa để mở rộng giao lưu, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Đối thoại là cơ sở xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nam-Vatican
Trong chuyến thăm tới Italia lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng thăm Tòa thánh Vatican. Chuyến thăm nhằm chuyển tải thông điệp đã được Việt Nam nhiều lần khẳng định. Đó là Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh Vatican, chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Tòa thánh Vatican dựa trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận là tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam mong muốn Tòa thánh Vatican có tiếng nói khích lệ cộng đồng Công giáo Việt Nam luôn gắn bó với đất nước và dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican.
|
Da giày là một trong những nội dung hợp tác mà Việt Nam và Italy thúc đẩy. (Nguồn: DNSG) |
Nhìn lại mối quan hệ Việt Nam – Vatican thời gian qua có thể khẳng định quá trình đối thoại đã góp phần phát triển mối quan hệ Việt Nam và Vatican. Đối thoại trên cơ sở tôn trọng những thỏa thuận có tính nguyên tắc được hai bên hết sức coi trọng, đã tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau để từ đó hai bên tìm ra những điểm đồng thuận và cùng thúc đẩy quan hệ hai bên vì lợi ích chung và của mỗi bên. Các cuộc đối thoại đã giải quyết được nhiều vấn đề như bổ nhiệm nhân sự cho các Tòa giám mục ở Việt Nam, thành lập giáo phận mới, việc du học của các tu sĩ, linh mục ở nước ngoài và việc Giáo hội Công giáo Việt Nam mời tổ chức hoặc cá nhân Công giáo từ nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.
Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Italia và Tòa thánh Vatican chắc chắn sẽ là bước tiến mới, đặt nền móng vững chắc hơn nữa cho quan hệ giữa Việt Nam với Italia và với Tòa thánh Vatican trong thời gian tới.