(VOV5) - Trong suốt hơn 40 năm qua, quan hệ hai nước phát triển tích cực và dần đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg hôm nay bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 - 18/04. Chuyến thăm của Thủ tướng Erna Solberg nhằm tạo động lực mới, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Mời quý vị và các bạn nghe bài viết của biên tập viên Đài TNVN Lê Phương nhan đề "Củng cố quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp Việt Nam - Na Uy".
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Na Uy Siren Gjerme Eriksen tới chào xã giao. Ảnh: VGP |
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng hai nước sẽ trao đổi các phương hướng cụ thể để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và một số lĩnh vực quan trọng khác. Chuyến thăm đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ song phương cũng như góp phần nâng cao nhận thức liên quan đến chương trình nghị sự phát triển thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp
Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/11/1971. Trong suốt hơn 40 năm qua, quan hệ hai nước phát triển tích cực và dần đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn ở các cấp. Gần đây nhất là cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại Hà Lan (03/2014) và bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 10 tại Milan, Italy (10/2014). Hai bên có những cơ chế hợp tác hiệu quả như 7 phiên Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và 11 phiên Đối thoại nhân quyền cấp Vụ trưởng Bộ Ngoại giao nhằm tăng cường hiểu biết và hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể.
Trong lĩnh vực kinh tế, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Na Uy năm 2014 đạt hơn 307 triệu USD (tăng hơn 27% so với 2013). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy gồm: hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu: hàng thủy sản, máy móc, thiết bị... Tháng 5/2012, Việt Nam và khối Mậu dịch tự do châu Âu EFTA, gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Các bên vừa kết thúc phiên đàm phán thứ 11 tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1 năm 2015. Tính đến hết tháng 02/2015, Na Uy có 30 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là hơn 120 triệu USD, xếp thứ 37/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương, Hải Phòng. Các dự án của Na Uy chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế biến gỗ, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; nông lâm nghiệp, thủy sản, thông tin và truyền thông. Vốn đầu tư của Na Uy chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài, hiện đang hoạt động tại 7 địa phương.
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Na Uy. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Na Uy trong hơn 40 năm qua, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Siren Gjerme Eriksen cho rằng: Na Uy và Việt Nam đã có 44 năm quan hệ ngoại giao sâu sâu sắc và phát triển theo nhiều hướng. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong xóa đói giảm nghèo, phát triển và hội nhập với khu vực và trên trường quốc tế. Trong những năm gần đây Na Uy quan tâm tới xây dựng năng lực kỹ thuật. Chúng tôi cũng làm việc với Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, cũng như hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam.
Năm 2015 là năm cuối của quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc và cũng là thời điểm các nước thành viên Liên hợp quốc tiến hành đàm phán để xây dựng Chương trình Nghị sự phát triển sau 2015, xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đây cũng là một nội dung quan trọng được Thủ tướng Erna Solberg đề cập trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Siren Gjerme Eriksen cho biết: Thủ tướng Solberg đến thăm Việt Nam cũng với tư cách Đồng Chủ tịch Nhóm Tư vấn về các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Bà Thủ tướng chọn điểm đến là Việt Nam vì Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ. Thủ tướng Na Uy sẽ khuyến khích Việt Nam tiếp tục công việc của mình để giải quyết những thách thức còn lại.
Trong thời gian qua, Na Uy là một trong những quốc gia luôn ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam triển khai, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam thực hiện Sáng kiến “Thống nhất hành động” với Liên hợp quốc (dự án Một Liên hợp quốc). Nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Na Uy tới Việt Nam, Đại sứ Na Uy và Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Hà Nội sẽ ký Thỏa thuận tài trợ trị giá 10 triệu cua-ron (1,3 triệu USD) cho Dự án Một Liên hợp quốc tại Việt Nam./.