Cuộc gặp cấp cao về Ukraine khó mang lại giải pháp hòa bình hữu hiệu

(VOV5) - Ngày 26/8, tại Minsk, thủ đô của Belarus, diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa Ukraine, Nga và Liên minh châu Âu (EU) bàn về an ninh năng lượng và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên những diễn biến trước thềm cuộc họp cho thấy các bên có ảnh hưởng tới tình hình Ukraine vẫn duy trì quan điểm rất khác nhau trong việc giảm căng thẳng tại đất nước này. Giới quan sát nhận định rằng cuộc gặp gần như không có khả năng mang lại đột phá.

 

Cuộc gặp cấp cao về Ukraine khó mang lại giải pháp hòa bình hữu hiệu - ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: AP

Cuộc gặp cấp cao giữa Nga, Ukraine và EU diễn ra giữa lúc quan hệ Nga và Ukraine đang căng thẳng. Ukraine cáo buộc Nga mở mặt trận mới ở miền Đông nước này, trong khi đó Moscow tuyên bố sẽ tiếp tục gửi hàng viện trợ đến miền Đông Ukraine, bất chấp việc Kiev không đồng thuận.

Quan điểm trái ngược

 

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Đức ARD ngày 24/8, Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà không kỳ vọng nhiều vào kết quả cuộc gặp này. Theo Thủ tướng Merkel, cuộc xung đột ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua một giải pháp chính trị và Liên minh châu Âu (EU) cũng như Đức đều muốn tham gia vào tiến trình để đạt được một giải pháp. Thủ tướng Đức cũng một lần nữa bác bỏ một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột hiện nay đồng thời nêu rõ EU muốn tìm một hướng đi không gây phương hại cho Nga và mong muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với Moscow. Thủ tướng Merkel cũng cho rằng tình hình hiện nay ở Ukraine là rất mong manh và Đức sẽ nỗ lực hết sức để tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột.

 

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì tuyên bố Ukraine cần có quan hệ tốt với cả Nga và EU mặc dù đạt được điều này không dễ song Pháp sẽ thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng và giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

 

Quan chức EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton cũng đánh giá cuộc gặp là một cơ hội tốt để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Bà cũng cho rằng Ukraine cần phải xây dựng quan hệ tốt với các nước EU cũng như với Nga.

 

Trái ngược với thái độ của châu Âu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf khẳng định Mỹ sẽ gây thêm áp lực đối với Nga sau khi có thông tin từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về sự can dự của binh sỹ và vũ khí Nga vào các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc này của NATO.

 

Còn tại Ukraine, Chủ tịch Quốc hội nước này Alexander Turchinov tuyên bố trên truyền hình rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine chỉ bằng biện pháp ngoại giao.

 

Gia tăng các hành động gây bất đồng

 

Trước thềm cuộc gặp cấp cao, ngày 25/8, tại Moscow, Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ Nga ủng hộ mọi nỗ lực nhằm đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo ông Sergei Lavrov, Nga sẵn sàng làm việc theo bất cứ khuôn khổ nào, sẵn sàng giúp người Ukraine đạt được nhất trí trong nội bộ, đạt được sự thống nhất về những tiêu chí để người dân được sống trong một Nhà nước, nơi mọi sắc tộc, văn hóa ngôn ngữ tôn giáo đều được tôn trọng. Tuy nhiên ông Lavrov đồng thời tuyên bố Moscow sẽ gửi đoàn xe thứ hai chở hàng viện trợ tới Ukraine, điều mà Kiev không khuyến khích.

 

Trong khi đó, Phát ngôn viên Ủy ban An ninh quốc phòng Ukraine Andriy Lysenko  cáo buộc Nga vận chuyển 10 xe tăng, xe bọc thép dưới vỏ bọc của lực lượng đòi liên bang hóa, tiến vào miền Đông Ukraine. Ukraine cho rằng Nga đang muốn mở một mặt trận mới ở phía Nam Donetsk. Để củng cố quan điểm không thể giải quyết bất ổn ở miền Đông chỉ bằng biện pháp ngoại giao, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết Ukraine sẽ chi gần 3 tỷ USD để trang bị thêm phi cơ, trực thăng, chiến hạm mới cho quân đội Ukraine từ 2015 đến 2017. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, số tiền này chỉ là bước đầu của chương trình tái vũ trang mà mục đích duy nhất là làm hồi sinh quân đội Ukraine. Trước đó, ngày 24/8, kỷ niệm 23 năm tách khỏi Liên Xô cũ, Ukraine tổ chức một cuộc diễu binh lớn tại Kiev, với sự tham gia của nhiều khí tài quân sự cùng khoảng 1.500 binh sĩ.

 

Việc các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn còn nhiều bất đồng, thêm vào đó là gia tăng các hành động gây nghi kỵ lẫn nhau khiến cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine khó tìm được giải pháp hoà bình. Điều này cũng đồng nghĩa với cuộc gặp cấp cao về tình hình Ukraine khó có đột phá./. 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác