(VOV5)- Giữa lúc diễn đàn chính trị lớn nhất hành tinh - phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc - đang diễn ra tại New York, Mỹ mà tâm điểm là tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria thì hôm qua, Trụ sở của Bộ tổng tham mưu quân đội Syria ở giữa thủ đô Damascus lại rung chuyển bởi 2 vụ đánh bom liên tiếp. Bạo lực xảy ra trong bối cảnh những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế không mang lại tín hiệu khả quan và dư luận cũng không trông đợi, tại phiên họp lần này, các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ tìm ra giải pháp để kết thúc cuộc nội chiến ở Syria.
Cộng đồng quốc tế vẫn chưa có lời giải cho cuộc khủng hoảng ở Syria
Vụ tấn công nhằm vào trụ sở quân sự hàng đầu của Syria do lực lượng nổi dậy Syria thực hiện và là vụ tấn công thứ 2 trong vòng 2 ngày qua tại thủ đô Damascus. Mặc dù Chính phủ Syria thông báo thiệt hại xảy ra là không đáng kể và không có sĩ quan quân đội nào thiệt mạng trong vụ tấn công này, nhưng vụ việc khiến người ta liên tưởng đến vụ đánh bom trụ sở Cơ quan an ninh quốc gia cách đây hơn 1 tháng khiến 4 quan chức an ninh hàng đầu của Syria thiệt mạng và Syria đang ngày càng lún sâu vào bạo lực.
Syria từng là chủ đề trong nhiều hội nghị mang tầm quốc tế nhưng sau 18 tháng rơi vào tình trạng bất ổn, đến nay, mọi sáng kiến, giải pháp chính trị của khu vực và quốc tế đều không đạt hiệu quả. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng nguyên nhân không thành công là do chính phủ Syria không tuân theo đúng các cam kết quốc tế. Một số ý kiến khác lại cáo buộc lực lượng đối lập vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng nguyên nhân chủ yếu, theo các chuyên gia, vẫn là sự thiếu đồng thuận quốc tế trong những quyết định quan trọng về Syria.
Một cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Còn nhớ, khi kế hoạch hòa bình 6 điểm của cựu Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan đưa ra, đã nhận được sự hưởng ứng của tất cả các bên. Tuy nhiên, việc thiếu một cơ chế hoạt động rõ ràng, thiếu sự liên hệ thực tế tại Syria, nhất là quan điểm thiên vị của một số nước đối với một bên nhất định trong cuộc xung đột, khiến quá trình thực hiện kế hoạch hòa bình này gặp trở ngại và thất bại. Để ép Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực, Pháp, các quốc gia Arab cũng nhiều lần kêu gọi phe đối lập Syria thành lập một chính phủ lâm thời, tuy nhiên ý tưởng này lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của Mỹ. Dù luôn ủng hộ sự ra đi của Tổng thống al-Assad, nhưng Washington chỉ trích Paris nôn nóng, thiếu sự phối hợp với các nước khác trong vấn đề này và còn quá sớm để hình thành một chính phủ lâm thời tại Syria khi mà phe đối lập nước này thậm chí còn chưa nhất trí về một kế hoạch chuyển đổi. Washington còn muốn trừng phạt mạnh hơn và đang cố giúp phe đối lập về mặt quân sự. Ngay cả phương Tây và các nước Arab mặc dù liên tục kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức song cho đến nay chưa một nước nào chính thức công nhận phe đối lập Syria như một thể chế lãnh đạo hợp pháp. Chưa kể, một số nước trong khu vực lập kênh cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập qua các căn cứ của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Hội đồng bảo an LHQ đã nhiều lần ra nghị quyết kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức nhưng luôn vấp phải sự phủ quyết của Nga, Trung Quốc. Hai nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an luôn giữ quan điểm chỉ ủng hộ các biện pháp đàm phán ngoại giao, phản đối các biện pháp can thiệp quân sự hoặc trừng phạt kinh tế. Lập trường cương quyết của Moscow và Bắc Kinh lại một lần nữa được khẳng định lại hôm qua sau khi Hội đồng bảo an LHQ cân nhắc một dự thảo nghị quyết do Maroc soạn thảo, kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức, chuyển giao quyền lực cho Phó tổng thống. Còn Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab Brahimi tiết lộ ông đang soạn thảo một bản kế hoạch để chấm dứt tình trạng bế tắc ở Syria nhưng chưa công bố bởi cần thêm rất nhiều cuộc đối thoại với các bên liên quan để hoàn thành kế hoạch này. Chưa ai rõ sáng kiến này sẽ đi đến đâu, kế hoạch mới này có thể kết hợp với kế hoạch của người tiền nhiệm Kofi Annan hay không, nhưng một giải pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria là điều dư luận vẫn ít nhiều hy vọng tại Phiên họp Đại hội đồng LHQ lần này. Giới chuyên gia phân tích nhận định dù khó có khả năng ông Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực nhưng hy vọng về một giải pháp cho Syria vẫn còn nếu các bên tìm kiếm được sự đồng thuận - yếu tố then chốt bảo đảm cho một giải pháp hòa bình tại Syria.
Tương lai Syria vẫn còn nhiều bất ổn (Ảnh: AFP)
Trong khi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp cho xung đột ở Syria thì quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt với vô vàn hệ lụy từ cuộc nội chiến. Khủng hoảng lương thực do mùa màng thất bát, người dân dù bị thương nhưng lại sợ phải đến điều trị tại bệnh viện. Trẻ em không được đến trường bởi nếu không bị hư hại thì trường học còn phải làm nơi trú ẩn cho hàng vạn người dân mất nhà cửa. Nhiều nhà máy, công trình dân sinh bị phá hủy hoặc rơi vào cảnh hoang tàn. Làn sóng tị nạn dâng cao. Tình hình nghiêm trọng đến mức Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi, tại phiên họp kín của HĐBA LHQ hôm qua, thừa nhận tình trạng Syria đang ngày càng trở nên tồi tệ, không chỉ đe dọa khu vục và còn đe dọa an ninh và hòa bình thế giới.
Khi nào và bằng cách gì cộng đồng quốc tế sẽ chứng kiến hồi kết của cơn bạo loạn Syria khi những người cầm cân nảy mực trong Hội đồng bảo an LHQ vẫn bất đồng sâu sắc? Với những gì đang diễn ra, đây là câu hỏi không dễ có lời giải. Một khi các cường quốc vẫn chia rẽ về cách thức tiếp cận về Syria thì cho dù có thêm một lệnh ngừng bắn hay một sáng kiến nào chăng nữa thì Syria vẫn khó tránh rơi vào cảnh “huynh đệ tương tàn” và phía trước Syria vẫn là một tương lai ảm đạm./.