(VOV5) - 71 năm sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam đã tiến những bước dài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cội nguồn quan trọng đưa Cách mạng tháng Tám 1945 (19/8/1945) đến thành công nhanh chóng chính là nhờ tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Bài viết “Đại đoàn kết dân tộc trong Cách mạng tháng Tám- bài học cho hôm nay” của phóng viên Minh Châm, nhân kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
|
Ngày 10-5-1941, là ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị Trung ương VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Pác Bó (Cao Bằng), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Ảnh: thegioidisan.vn |
Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, tháng 5 năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pắc Bó, Cao Bằng. Chính tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của Cách mạng Việt Nam lúc đó. Hội nghị xác định: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”.
Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc khởi nghĩa giành chính quyền
Từ định hướng chiến lược đó, Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển hướng xây dựng lực lượng, chỉ đạo phương thức và nghệ thuật khởi nghĩa, hướng cách mạng thành cuộc khởi nghĩa toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Mặt trận Việt Minh được thành lập và xây dựng các ủy ban tại khắp cả nước, tổ chức hoạt động cùng các đoàn thể cứu quốc, tạo nên cao trào đấu tranh mạnh mẽ, chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích: “Trong lời kêu gọi tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói “Toàn thể quốc dân hãy đứng lên, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Tự giải phóng cho ta được chính là nhờ đường lối hướng dẫn của Đảng, nhưng đồng thời cũng chính là nhờ việc tập hợp lực lượng của Mặt trận Việt Minh”.
|
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Mặt trận Việt Minh, sức mạnh đoàn kết của hơn 20 triệu đồng bào Việt Nam thuộc mọi giai cấp, tầng lớp đã được phát huy cao độ. Cả nước đứng lên khởi nghĩa, đập tan bộ máy cai trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong 15 ngày nhưng đã thành công nhanh chóng, trọn vẹn.
Bài học về củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân
71 năm sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam đã tiến những bước dài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ một dân tộc nô lệ, nghèo nàn, lạc hậu, hai chữ “Việt Nam” không có tên trên bản đồ thế giới thì nay, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, vượt bậc về mọi mặt, có quan hệ ngoại giao rộng mở với các nước, các tổ chức quốc tế. Song, cùng với đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ là sự chống phá của các thế lực thù địch, cùng với biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên… Đây là những thách thức lớn đối với khối đoàn kết trong Đảng và khối đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế đó càng đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục phát huy cao độ những bài học quý giá của Cách mạng tháng Tám, nhất là bài học về củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: “Hơn bao giờ hết, lúc này muốn phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì Đảng phải đoàn kết, phải là tấm gương cho nhân dân. Nhân dân đòi hỏi Đảng thực hiện cho được đường lối, nghị quyết đề ra. Làm tốt cái đó chúng ta mới tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tranh thủ được nhân dân thế giới làm ăn với chúng ta, chúng ta hội nhập mà không bị hòa tan, điều đó là điều quan trọng về bài học đại đoàn kết”.
|
Ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban trung ương MTTQ VN. |
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Hằng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cũng cho rằng sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo không thể tách rời sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân. Chỉ có gắn bó mật thiết với nhân dân bằng hành động thực tế thì Đảng mới hoàn thành sứ mệnh cầm quyền hiện nay. Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, để tập hợp được sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân, Đảng phải là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào dân, chăm lo, bồi dưỡng sức dân: “Động viên được sức mạnh toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay thì Đảng phải hóa thân vào Mặt trận như những thời kỳ đấu tranh máu lửa ấy để làm hạt nhân khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ quyết định vấn đề xây dựng nội lực quốc gia. Lúc này Đảng cần thể hiện vai trò của mình, phải đoàn kết, trước hết hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đó Đảng là tổ chức thành viên đặc biệt”.
Thực tế lịch sử dân tộc đã chứng minh, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, gặp những khó khăn, thách thức lớn đến đâu, chính sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là sức mạnh to lớn để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết, thống nhất của hơn 90 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước lúc này sẽ là nguồn sức mạnh vô cùng to lớn để dân tộc Việt Nam tiến những bước vững chắc trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.