(VOV5) -Xung đột thương mại thực chất khiến cả hai nước thiệt hại, gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngày 9/5, theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đàm phán tới Mỹ để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về thương mại Trung - Mỹ. Trong lúc quan chức hai bên đều bảy tỏ hy vọng về một hiệp nghị chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai bên trong thời gian tới thì bất ngờ Tổng thống Donald Trump ngày 6/5 tuyên bố Mỹ tiếp tục tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào cuối tuần này. Với tuyên bố này, quan hệ thương mại Trung-Mỹ tưởng chừng sắp thoát khỏi bế tắc thì nay lại rơi vào căng thẳng. Tuy nhiên, thực chất đằng sau những tuyên bố cứng rắn này được cho là chiến thuật giành lợi thế trước vòng đàm phán của Washington.
Trên trang cá nhân Twitter của mình ngày 6/5, ông D.Trump viết: mức thuế 10% hiện thời đối với 200 tỷ USD hàng hóa sẽ được tăng lên 25% vào ngày 10/5 tới. 325 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc xuất sang Mỹ vẫn chưa tăng thuế, nhưng sẽ nhanh chóng được áp mức thuế 25%. Thị trường toàn cầu đã có những ảnh hưởng nhất định sau động thái này.
Ảnh hưởng từ tuyên bố của Washington
Sau tuyên bố của ông D.Trump, thị trường chứng khoán toàn cầu đã ngay lập tức chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,7%, trong khi Shanghai Composite giảm 5,3%, Shenzhen Composite giảm 5,56%. Chỉ số S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ trong 2 ngày qua có thời điểm mất tới 1,6%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng giảm do nhà đầu tư tìm đến các tài sản rủi ro thấp.
1 ngày sau tuyên bố từ Washington, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng thông báo bơm 280 tỷ NDT (khoảng 41 tỷ USD) vốn dài hạn vào thị trường, thông qua giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng nhỏ. Đây là động thái nhằm ổn định thị trường, tránh tác động từ chuyển biến đột ngột trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Theo tính toán của Bloomberg Economics, thuế nhập khẩu ở mức hiện tại sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc mất 0,5% năm nay. Nếu tăng lên 25% như tuyên bố của ông D. Trump, tăng trưởng sẽ mất 0,9%. Và nếu toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế, con số này sẽ là 1,5%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: CNBC. |
Phản ứng từ tuyên bố này, các quan chức Bắc Kinh tỏ rõ sự bất bình, cho biết Trung Quốc sẽ không đàm phán dưới sự uy hiếp và Trung Quốc, tuy nhiên hành trình tới Mỹ của ông Lưu Hạc vẫn không thay đổi mà chỉ lùi lại 1 ngày so với kế hoạch ban đầu.
Chiến thuật ép sân
Tuyên bố này của Tổng thống D.Trump được đưa ra trong bối cảnh giới chức hai bên đang hết sức lạc quan về cuộc đàm phán lần này sẽ mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung giữa ông Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 6 tới.
Nhìn lại hồi tháng 9/2018, trước khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc có kế hoạch lên đường sang Mỹ, ông D. Trump cũng đột ngột tuyên bố đánh thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc cũng đáp trả với thuế tương tự lên 110 tỷ USD hàng Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí hủy bỏ chuyến đi của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, chấm dứt cuộc đàm phán giữa hai bên. Sau khi chạy đua leo thang áp thuế lên hàng hóa của nhau, đến đầu tháng 12/2018, ông Trump và ông Tập mới quyết định đình chiến để đàm phán thỏa thuận thương mại. Qua nhiều lần đàm phán, hai bên ít nhiều đã có những tiến triển nhất định trong thời gian gần đây, tuy vẫn còn một số vấn đề có tính kỹ thuật chưa giải quyết được. Các điểm nghẽn lớn nhất trong đàm phán giữa hai bên là bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ép buộc.
Việc ông Trump bất ngờ tuyên bố quay lại đánh thuế đã khiến Trung Quốc và cả quốc tế bất ngờ. Tuy nhiên, dưới góc độ các nhà quan sát, sự thay đổi lập trường của ông Trump có thể là chiến thuật đàm phán trước giờ G thông qua việc tung ra những lời lẽ nặng cân này nhằm giành được lợi ích. Hơn nữa, kinh tế Mỹ đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi số liệu kinh tế mới nhất được Mỹ công bố cho thấy kinh tế quý 1 của nước này tăng 3,2%, vượt qua dự đoán của thị trường. Đây có thể là cơ sở để Mỹ gia tăng sức ép lên Trung Quốc nhằm giành lợi thế tại vòng đàm phán lần này.
Xung đột thương mại thực chất khiến cả hai nước thiệt hại, gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc Phó Thủ tướng Trung Quốc đến Mỹ tham dự vòng đàm phán bất chấp những lời đe dọa tiếp tục áp thuế từ phía chính quyền Washington là một tín hiệu tích cực. Dư luận hy vọng hai bên cùng nỗ lực, đạt được một hiệp nghị cùng thắng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Điều này không chỉ phù hợp với lợi ích của phía Trung Quốc mà cũng phù hợp với lợi ích của phía Mỹ và kinh tế toàn cầu.