(VOV5) - Mỹ sẽ kết thúc chiến dịch triển khai lực lượng chiến đấu kéo dài 18 năm ở Iraq.
Ngày 26/7 vừa qua, Chính quyền Mỹ quyết định sẽ chấm dứt hoàn toàn nhiệm vụ chiến đấu của quân đội nước này tại chiến trường Iraq vào cuối năm 2021, chính thức đặt dấu chấm hết cho một chiến dịch triển khai quân ra nước ngoài kéo dài gần 2 thập niên. Tuy nhiên, đó không phải là một quyết định rút quân đơn phương như cách tiếp cận kết thúc cuộc chiến tại Afghanistan, mà thông qua một thỏa thuận cụ thể giữa Mỹ và Iraq, một bước đi được cho là mang những toan tính lợi ích chiến lược từ cả hai phía.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tại Phòng Bầu dục hôm 26/7. Ảnh: The New York Times |
Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đạt được thỏa thuận chính thức về việc kết thúc hoạt động chiến đấu của quân đội Mỹ tại Iraq, trong cuộc đàm phán trực tiếp ở Washington (Mỹ) hôm 26/7. Với thỏa thuận này, Mỹ sẽ kết thúc chiến dịch triển khai lực lượng chiến đấu kéo dài 18 năm ở Iraq. Tuy nhiên, không giống cách tiếp cận trong vấn đề Afghanistan, việc chấm dứt hoạt động chiến đấu tại Iraq mang nội hàm và ý nghĩa khá khác biệt. Theo đó, Mỹ sẽ vẫn quy trì quan hệ và hợp tác chặt chẽ với Iraq sau khi rút quân, nhằm phục vụ cho những lợi ích cốt lõi của mình.
Từ sau ngày 31/12/2021, binh sĩ Mỹ ở Iraq sẽ chuyển từ nhiệm vụ chiến đấu sang huấn luyện và cố vấn cho an ninh nước sở tại để tự vệ. Ảnh: Quân đội Mỹ/ Spc. Jensen Guillory |
Mỹ vẫn muốn duy trì quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ với Iraq
Theo nhiều phân tích, sở dĩ Mỹ muốn xây dựng thỏa thuận chính thức thông qua đàm phán với Iraq, chứ không phải ra quyết định đơn phương đối với việc chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu tại Iraq, là để phục vụ các tính toán chiến lược của Mỹ liên quan đến quốc gia A rập này cũng như cả khu vực. Theo đó, Chính quyền Mỹ muốn Iraq là điểm tựa cho sự ổn định ở Trung Đông. Bởi lẽ, một đất nước Iraq ổn định theo tính toán của Washington không chỉ có lợi cho việc Mỹ tiếp cận các nguồn tài nguyên giàu có của Iraq, mà còn cần thiết cho việc bảo đảm duy trì tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Trong hướng đi này, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ Iraq giảm phụ thuộc vào Iran, đặc biệt là về năng lượng.
Rõ ràng, so với quyết định rút quân khỏi chiến trường Afghanistan, cách tiếp cận của chính quyền Mỹ trong vấn đề kết thúc tham chiến Iraq có khác biệt lớn. Theo đó, dù rút quân nhưng Mỹ muốn tìm kiếm một mối quan hệ đối tác quân sự lâu dài với Iraq. Điều này lý giải vì sao Tổng thống Biden cam kết tiếp tục hợp tác với Iraq trong các công việc huấn luyện, hỗ trợ quân đội Iraq đối phó với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)… Nói cách khác, Washington không muốn cắt đứt, mà ngược lại vẫn muốn duy trì mối liên hệ quân sự chặt chẽ với Iraq.
Sự khởi đầu mới cho Iraq
Về phía Iraq, việc đạt được thỏa thuận rút quân theo lộ trình chi tiết với Mỹ được coi là một thắng lợi chính trị và ngoại giao quan trọng của Chính quyền Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi. Thực tế, Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đang chịu áp lực lớn từ phía các lực lượng chính trị thân Iran trong Chính phủ. Các lực lượng này liên tục gây sức ép, đòi loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện của lực lượng nước ngoài, đứng đầu là quân đội Mỹ, tại Iraq. Với thỏa thuận vừa đạt được, Chính quyền Iraq vừa đáp ứng được yêu sách của các lực lượng đối nghịch, vừa đảm bảo vẫn có được sự hỗ trợ an ninh và quân sự quan trọng từ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đứng đầu là IS. Rộng hơn nữa, có thể coi Chính phủ của Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đã bước đầu tạo được sự cân bằng cần thiết trong mối quan hệ khó xử với đồng thời cả Mỹ và Iran.
Thắng lợi này chính là tiền đề quan trọng để Chính phủ Iraq tự tin thực hiện các chiến lược đối nội và đối ngoại của mình trong giai đoạn mới với sự tự chủ cao hơn, nhất là trong bối cảnh quốc gia A rập này đang chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử sau hai tháng nữa (tháng 10/2021).
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên, chưa phải là một sự đảm bảo chắc chắn và rõ ràng cho một tương lai ổn định của đất nước Iraq. Có nhiều lý do để lo ngại về những nguy cơ có thể xảy đến với quốc gia vùng Vịnh giai đoạn sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn. Đầu tiên là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ các lực lượng và phe phái chính trị tại Iraq từ nhiều năm qua. Minh chứng mới nhất là việc nhiều lực lượng chính trị đã quyên bố tẩy chay cuộc tổng tuyển cử sắp tới, đồng thời công kích dữ dội thỏa thuận của Chính phủ với Mỹ. Tiếp đến là sự hạn chế về năng lực đối phó khủng hoảng của Chính phủ và các lực lượng an ninh Iraq, khi mà các nguồn lực tài chính đang ngày càng cạn kiệt vì nạn tham nhũng, bất ổn xã hội cũng như tác động của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, IS đang chứng tỏ năng lực và sự trỗi dậy mạnh mẽ tại Iraq thời gian qua, thông qua hàng loạt vụ tấn công liên tiếp nhằm vào các lợi ích của Mỹ cũng như các mục tiêu của Chính phủ Iraq.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia khu vực cảnh báo: Chính phủ Iraq cần nhìn vào bài học thực tế đang diễn ra tại Afghanistan, để có sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai gần của quốc gia này trong bối cảnh chính trị và quân sự khu vực phức tạp hiện nay.