(VOV5) - Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi cam kết sẽ đi theo con đường đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Cuộc bầu cử Tổng thống Iran được tổ chức (ngày 18/6) trong bối cảnh tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh JCPOA giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga. Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã trải qua nhiều vòng đàm phán tại Vienna (Áo) với những tiến triển nhất định, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Bởi vậy, câu hỏi việc ông Ebrahim Raisi, một nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn đắc cử Tổng thống Iran, sẽ có tác động như thế nào đến tiến trình đàm phán, đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr ở Iran (10/11/2019) - Ảnh: Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency |
Trong một tuyên bố chính thức sau khi được xác định đắc cử Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi cam kết sẽ đi theo con đường đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Đây được coi là một tín hiệu tích cực đối với tiến trình đàm phán, dù con đường đi đến thỏa hiệp cuối cùng vẫn được đánh giá là rất dài và nhiều chông gai.
Tín hiệu tích cực cho đàm phán
Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống đắc cử Iran cam kết tiếp tục con đường đàm phán để khôi phục thỏa thuận, đồng nghĩa với việc quốc gia Hồi giáo sẽ không từ bỏ tiến trình đàm phán đang được tiến hành tại Vienna, ít nhất là trong giai đoạn trước mắt. Có nghĩa là các bên không sẽ phải “đàm phán lại từ đầu” theo như một số quan ngại được đưa ra trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Iran được tiến hành. Nói cách khác, cam kết tiếp tục đàm phán để khôi phục thỏa thuận của Tổng thống đắc cử Iran được coi như một sự đảm bảo từ phía quốc gia Hồi giáo rằng tiến trình này sẽ không bị đảo ngược sau khi ông Ebrahim Raisi lên lãnh đạo đất nước thay Tổng thống Hassan Rouhani vào tháng 8 tới đây.
Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 23/6 thông báo Iran và các cường quốc đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán về khôi phục JCPOA. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Berlin, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đức cho rằng, vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận sau khi Iran có nhà lãnh đạo mới. Cùng chung quan điểm này, trong một tuyên bố hôm 20/6, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng nhận định các bên liên quan đang tới “rất gần” một thỏa thuận và “vẫn có thể đạt được một thỏa thuận nhằm khôi phục JCPOA, sau khi ông Ebrahim Raisi đắc cử Tổng thống Iran”.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi - Ảnh: Arash Khamooshi/ The New York Times |
Về phần mình, truyền thông nhà nước Iran hôm 23/6 dẫn lời ông Mahmoud Vaezi, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Iran, cho biết giới chức Mỹ và Iran bên đã đạt được một thỏa thuận dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực bảo hiểm, dầu mỏ và vận chuyển được áp đặt dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, khoảng 1.040 lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ.
Có thể thấy, những tiến bộ đạt được trên thực tế đàm phán cùng cam kết duy trì đàm phán của Tổng thống đắc cử Iran, là tín hiệu tốt cho tiến trình này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khả năng đạt được đột phá trong các cuộc thương lượng sẽ tăng lên, do bản chất vấn đề phức tạp và chịu tác động của nhiều yếu tố.
Khó đạt được kết quả khả quan
Thực tế đàm phán hạt nhân Iran thời gian qua cũng như nhiều năm trước đó cho thấy, quan điểm tiếp cận vấn đề khác biệt, thậm chí là đối lập nhau giữa Mỹ và Iran, là rào cản lớn nhất để đi tới thỏa thuận. Theo đó, Mỹ vẫn yêu cầu Iran phải khôi phục đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết trong JCPOA, trước khi vấn đề dỡ bỏ cấm vận được xem xét. Trong khi đó, Iran lại yêu cầu việc dỡ bỏ cấm vận phải được tiến hành trước.
Bên cạnh khó khăn từ cách tiếp cận vấn đề trái chiều nhau này, Mỹ và Iran còn đối nghịch nhau về quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực khác, nhất là tại chiến trường Iraq và Syria, đều là những vấn đề có ảnh hưởng chi phối tới các quyết định liên quan đến vấn đề hạt nhân. Ngoài ra, với chính quyền Mỹ, việc đưa ra quyết định trên bàn thương lượng hạt nhân Iran còn phải tính tới thái độ của các đồng minh quan trọng tại khu vực như Israel hay Saudi Arabia. Còn với chính quyền Iran, bất kỳ điều chỉnh nào về chủ trương đàm phán, nhất là những bước đi mang tính nhượng bộ, đều phải tính đến áp lực từ dư luận trong nước, đặc biệt là từ phía Đại giáo chủ Ali Khamenei.
Trong bối cảnh đó, đến nay, cả Mỹ và Iran đều tuyên bố là chưa có ý định xúc tiến một cuộc gặp thượng đỉnh trong tương lai giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống đắc cử Iran. Bởi vậy, khả năng có được tiến triển mang tính đột phá trên bàn đàm phán hạt nhân khi Iran có Tổng thống mới, là rất thấp. Cũng có nghĩa là cả Mỹ, Iran và các bên liên quan cần có quan điểm tích cực trong các vòng đàm phán sắp tới, mới có hy vọng hồi sinh JCPOA.