(VOV5) -Từ chỗ là một nước nhỏ chỉ được biết đến với chiến tranh và nghèo đói, đến nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tiếng nói trong Liên Hợp Quốc.
Năm 2017 đánh dấu 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, một tổ chức quốc tế lớn nhất có vai trò định hình chính trị toàn cầu. Từ chỗ là một nước nhỏ chỉ được biết đến với chiến tranh và nghèo đói, đến nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tiếng nói trong Liên Hợp Quốc, được quốc tế đánh giá là một trong những nước có nỗ lực lớn nhất thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ mà Liên Hợp Quốc đề ra. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 – 20/9/2017).
Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Trong ảnh: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai, từ phải sang) dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh: Tư Liệu |
Cách đây 40 năm (20/9/1977-20/9/2015), Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Đây là sự kiện mở ra một chương mới cho chính sách “đa phương hóa” “đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Trải qua những chặng đường, cùng với sự đóng góp tích cực thì Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ quan trọng của Liên hợp quốc và vị thế của Việt Nam luôn được nâng cao trên trường quốc tế.
Bước chuyển ngoạn mục
Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc ở vào một giai đoạn khá khó khăn bởi vừa trải qua cuộc chiến tranh kéo dài và một thập kỷ bị bao vây, cấm vận. Xác định tham gia vào Liên hợp quốc nhằm giúp phá thế bao vây, cấm vận, đấu tranh bảo vệ các lợi ích thiết thân của Việt Nam, góp phần củng cố môi trường hòa bình, an ninh đồng thời tranh thủ các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các công việc chung của Liên hợp quốc trên nguyên tắc tự lập, tự chủ, đặt lợi ích dân tộc là trên hết, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của tất cả các thành viên.
Ông Ngô Quang Xuân, Nguyên đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc giai đoạn 1993-1999 đồng thời là người có nhiều năm gắn bó với ngoại giao đa phương Việt Nam, chia sẻ: "Cũng nhờ giai đoạn sau 1991 – 1993, chúng ta chuyển động, tự lập, tự lực để hoạt động trên cơ sở lợi ích của mình gắn kết với lợi ích của bạn bè quốc tế, để người ta thấy rằng Việt Nam là một đất nước, một thành viên có trách nhiệm trong Liên hợp quốc, một đối tác có thể nhìn thấy tiềm năng phát triển và tin cậy. Chúng ta đã vượt qua một giai đoạn như thế. Và cho đến sau này, năm 2008 – 2009, chúng ta hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Bây giờ, chúng ta đã rất vững vàng khi tham gia vào bất cứ một cơ chế lãnh đạo nào của Liên hợp quốc. Ngoại giao đa phương nói chung và vị trí của Việt Nam trong Liên hợp quốc đã thay đổi một cách rất rõ ràng, ngoạn mục.”
Ông Ngô Quang Xuân |
Đảm bảo quyền và lợi ích trong quá trình phát triển
Trong 40 năm qua, tham gia Liên hợp quốc đã mang lại cho Việt Nam những thành tựu to lớn. Liên hợp quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các hạng mục phát triển an sinh xã hội, tập trung thu hút nguồn lực cho sự nghiệp đổi mới, đổi mới chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Từ chỗ hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác Việt Nam- Liên hợp quốc chuyển dần sang tập trung hỗ trợ nhiều lĩnh vực thiết yếu về phát triển kinh tế, xây dựng thể chế, pháp luật, giải quyết nhiều vấn đề xã hội cấp bách, hỗ trợ Việt Nam trên con đường hội nhập.
5 năm trở lại đây, quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc hướng tới nâng cao chất lượng phát triển với việc ưu tiên 3 lĩnh vực trọng tâm là tăng trưởng bền vững, tăng cường tiếp cận các dịch vụ thiết yếu chất lượng cao, bảo trợ xã hội, và thúc đẩy quản trị công nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả các chiến lược phát triển. Theo nguyên Đại sứ Ngô Quang Xuân, quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc có thể coi là hình mẫu hợp tác điển hình thành công trên thế giới: “Có thể nói Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam rất nhiều, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Liên hợp quốc đã chuẩn bị cho chúng ta những điều kiện bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, thương hiệu của Việt Nam được xây dựng trên những nền móng này. Trong hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước có lúc cao, lúc thấp, lên bổng, xuống trầm, tức là có những lúc khó khăn. Tuy nhiên, có thể nói hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc luôn đi lên và luôn mang màu sắc tích cực, khách quan và minh bạch.”
Trải qua 40 năm, quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc với những bước phát triển vượt bậc trên tất cả phương diện và trên nhiều cấp độ khác nhau, đã không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên chính trường, góp phần quan trọng vào việc duy trì nền hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực và trên thế giới, đưa lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam trong một tổ chức có quy mô lớn nhất hành tinh. Trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay, cách hành xử giữa các nước lớn và các nước nhỏ đang chi phối trật tự quan hệ quốc tế, cùng với các lực lượng tiến bộ, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, chủ động tại các diễn đàn đa phương trong đó có Liên hợp quốc, đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.