(VOV5) - Năm 2014 là năm nền kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu nổi bật, trong đó đáng chú ý là GDP tăng vượt chỉ tiêu, lạm phát thấp nhất trong nhiều năm, các chính sách để cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh được ban hành. Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho công tác điều hành của Chính phủ cùng với sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, của mọi người dân nỗ lực vượt qua khó khăn.
|
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội năm 2014. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
2014 là năm đầu tiên trong nhiều năm Việt Nam hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cơ bản khắc phục thành công các vấn đề sau khủng hoảng kinh tế và bắt đầu phục hồi. Đặc biệt, với nỗ lực tái cơ cấu, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong khi vẫn giữ được mức tăng trưởng hợp lý.
Hoạch định và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô kịp thời, kiên định
Dưới sự điều hành của Chính phủ, năm 2014, nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển đáng mừng. Lần đầu tiên trong 3 năm qua, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (5,8%). Lạm phát giảm đáng kể, lãi suất tín dụng giảm, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, có xuất siêu; trong đó đáng chú ý xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước có nhiều bước chuyển tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm trước. Số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới tăng 24,5%, với số vốn đăng ký tăng 9,6% so với năm trước. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc thu hút vốn FDI của Việt Nam, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được giữ vững. Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng: “Trong năm nay Việt Nam đã quản lý thành công kinh tế vĩ mô và đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam ổn định được nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định ngoại hối và đạt được tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý. Tôi nghĩ rằng Chính phủ đã làm tốt những công việc này. Trong thời gian tới, để giải quyết được tận gốc rễ của sự bất ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độc thực hiện cải cách cơ cấu, bao gồm cả cải cách hành chính, nhưng quan trọng hơn là cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công và tiếp đó là cải cách trong lĩnh vực ngân hàng”.
Năm 2014 cũng là một năm thành công trong điều hành tỷ giá. Nhìn tổng quan, tỷ giá USD so với VNĐ chỉ tăng khoảng 1% trong cả năm, tỷ lệ USD hóa giảm 20%. Các yếu tố này đã tạo điều kiện cho nhiều chính sách tiền tệ, tài chính khác được thực hiện thuận lợi hơn. Ông La Ngọc Thoáng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, đánh giá: “Tôi cho rằng chính sách tiền tệ được Chính phủ điều hành linh hoạt, thận trọng, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam lấy kiểm soát lạm phát làm mục tiêu, đồng thời cũng giữ dư địa cho tăng trưởng. Đây là việc làm khó nhưng chúng ta đã làm được. Tỷ giá được điều hành một cách chủ động nhằm định hướng thị trường và đưa ra các cam kết duy trì ổn định tỷ giá trong từng kỳ để kiểm soát. Sự kiên định trong mục tiêu và tính nhất quán, đồng bộ trong giải pháp đã làm cho tỷ giá trở lên dễ dự báo hơn, nhờ đó nâng cao lòng tin vào đồng Việt Nam. Đó cũng là cơ sở để dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng mạnh. Chính việc giữ tỷ giá hối đoái ổn định đã góp phần hỗ trợ xuất khẩu đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, một trong các nguyên nhân quan trọng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quay trở lại Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây”.
Nỗ lực lớn trong cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh
Trong năm 2014, cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh là một dấu ấn đậm nét, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Nổi bật là việc rà soát, loại bỏ những quy định bất hợp lý, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo nền tảng, cơ sở pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. Trong suốt năm 2014, Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành có hàng chục cuộc đối thoại thẳng thắn với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai, nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Vũ Tiến Lộc, cho rằng: “Chính phủ đã có một cách tiếp cận mới, lấy chuẩn mực của ASEAN 6 làm mục tiêu để áp đặt cho tiến trình cải cách hành chính, với triết lý "Thế giới làm được thì ta cũng có thể làm được". Chính phủ yêu cầu những điểm nóng nhất về thủ tục hành chính của môi trường kinh doanh như thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, thành lập và giải thể doanh nghiệp phải giảm về mức trung bình của các nước ASEAN 6. Ví dụ, điển hình là phải rút gánh nặng thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội từ 872 giờ/năm, xuống còn 171 giờ/năm. Sau một loạt các cuộc đối thoại cởi mở với doanh nghiệp để rà xét, cắt giảm thủ tục hành chính, đã sửa nhiều luật theo thủ tục rút gọn. Đây là một kinh nghiệm tốt”.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng năm 2014, Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế. Trong thành quả này có dấu ấn từ sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ. Đây cũng là động lực quan trọng để nền kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển trong năm 2015./.