(VOV5)- Một trong những chức năng, nhiệm vụ góp phần quan trọng tạo nên dấu ấn đổi mới trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là hoạt động lập pháp. Hơn 100 luật được Quốc hội thông qua tạo hành lang pháp lý vững chắc để xây dựng Nhà nước pháp quyền,đảm bảo quyền con người, tạo điều kiện phát triển nền kinh tế.
Quốc hội khóa XIII để lại hàng loạt dấu mốc khi Thông qua Hiến pháp 2013, thông qua nhiều đạo luật quan trọng. Đây cũng là nhiệm kỳ Quốc hội có số lượng luật được thông qua nhiều nhất, trên 107 luật và rất nhiều Nghị quyết.
Xây dựng một lượng lớn văn bản luật, tạo hành lang pháp lý, góp phần phát triển đất nước
Trong dấu ấn lập pháp của Quốc hội khóa XIII, thành tựu nổi bật nhất là việc Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, bản hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế.
|
Các đại biểu quốc hội tiến hành bỏ phiếu trong một phiên họp gần đây |
Cùng với việc thông qua Hiến pháp mới, trong nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hầu hết các bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng. Các luật, pháp lệnh đã tạo cở sở pháp lý đồng bộ, góp phần đảm bảo sự ổn định, phát triển đất nước. Ông Ngô Đức Mạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng: “5 năm qua, chưa bao giờ điều kiện trong nước gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, tài chính, tiền tệ của giai đoạn 2008, đặc biệt có lúc chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Quốc hội có vai trò nổi bật. Với việc hoàn thành các hoạt động lập pháp, lập Hiến thì chính Quốc hội là cơ quan đóng góp quan trọng vào việc tạo lập môi trường hòa bình và tạo điều kiện cho đất nước hội nhập phát triển. Đó là đặc điểm, thành tựu chung của Quốc hội.
Ông Hà Huy Thông, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ dư luận quốc tế một cách khách quan: “Lãnh đạo Ngân hàng thế giới đánh giá cao các luật về kinh tế mà Quốc hội Việt Nam thông qua trong nhiệm kỳ vừa qua như Luật ngân sách nhà nước, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư ... Các luật này có nhiều điểm tiến bộ, được Quốc hội thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối. Họ cũng đánh giá Hiến pháp 2013 là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện cả về kinh tế và chính trị, là một trong những cơ sở quan trọng nhất cho những bước đổi mới tiếp theo của đất nước.”
Đặt lợi ích của nhân dân làm gốc của mọi đạo luật
Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội không những hoàn thành số lượng kỷ lục mà hoạt động lập hiến lập pháp của Quốc hội thấm đẫm tinh thần đề cao bảo vệ, tôn trọng quyền con người. Ông Ngô Đức Mạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Chúng ta có những quy định mới tiến bộ, phù hợp thông lệ quốc tế trong Hiến pháp 2013. Đó là đề cao và bảo vệ quyền con người. Cùng với những quy định mới trong các đạo luật, ví dụ quyền người dân được khởi kiện mà Tòa án không thể từ bỏ trách nhiệm xét xử vụ kiện. Về các đạo luật về quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, các đạo luật khác, tôi cho rằng chúng ta hoàn thành cơ bản môi trường thể chế để tạo động lực đề cao giá trị quyền con người, quyền tự do dân chủ của nhân dân. Rõ ràng đạo luật chúng ta ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn, công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước.”
|
Toàn cảnh phiên họp quốc hội |
Việc thông qua các bộ luật quan trọng đảm bảo quyền công dân và quyền con người có sức lan tỏa rất lớn được người dân và cử tri đồng tình. Ông Huỳnh Văn Tính, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận: “Các Bộ luật hình sự, Tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự và Tố tụng dân sự cũng như Luật tố tụng hành chính, thi hành tạm giam tạm giữ, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. ..được cử tri hoan nghênh. Phải nói Quốc hội khóa này rất mạnh dạn đổi mới. Có nhiều đại biểu kiên định theo hướng cải cách tư pháp, theo hướng quyền công dân, quyền con người cho nên mạnh dạn đổi mới vấn đề này. Cử tri qua tiếp xúc rất đồng tình. Đây là một bước cải cách lớn của Quốc hội đối với tư pháp.”
|
Chủ tịch Quốc Hội mới, bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong nghi lễ tuyên thệ nhậm chức |
Số lượng dự án luật lấy ý kiến nhân dân tăng lên, đã huy động được trí tuệ, sự đồng thuận của xã hội. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Để có được thành tựu đó, có nhiều nguyên nhân, trong đó quan điểm vì dân, học dân, tôn trọng nhân dân của Đảng được Quốc hội, được đại biểu Quốc hội quán triệt và chuyển thành hoạt động thực tiễn của mình. Từ diễn đàn Quốc hội và hoạt động của Quốc hội, hoạt động của từng đại biểu Quốc hội đều được bộc lộ và cử tri nhận ra điều đó.”
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII sắp kết thúc.Những thành tựu trong lĩnh vực lập pháp trong 5 năm qua sẽ là động lực để Quốc hội khóa mới tiếp tục nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và thống nhất của các đạo luật; phát huy hiệu quả vai trò của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, sự tham gia của các chuyên gia và Nhân dân vào hoạt động lập pháp. Việc làm này sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.