(VOV5)-Trở ngại lớn nhất đối với thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran với Nhóm P5+1 cuối cùng đã được dỡ bỏ khi vừa mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama giành được sự ủng hộ cần thiết của các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đối lập. Với chiến thắng này, Tổng thống B.Obama lại ghi thêm dấu ấn thành công trong nhiệm kỳ 2 của mình, bước đầu đặt nền móng cho người kế nhiệm Nhà Trắng với những chính sách dài hạn.
|
Tổng thống Hoa Kỳ B.Obama - Ảnh: Reuteur |
Chưa đầy 16 tháng nữa, Tổng thống Barack Obama sẽ chính thức rời Nhà Trắng, kết thúc sứ mệnh 8 năm chèo lái con thuyền chính phủ xứ sở cờ hoa với 2 nhiệm kỳ đầy gian nan, thử thách. Dù có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, có lúc chính phủ đối diện với nguy cơ đóng cửa, nhưng vượt lên trên hết, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn kiên trì quan điểm từ khi lên nắm quyền với những chính sách đối nội, đối ngoại linh hoạt. Sau gần hai nhiệm kỳ, dấu ấn thành công nhất mà vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ để lại, đó là chấn hưng nền kinh tế, đồng thời giữ vững vị thế lãnh đạo của một cường quốc hàng đầu thế giới.
Những điểm cộng trong nhiệm kỳ 2
Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 2, ông B.Obama đã đưa kế hoạch chấn hưng nền kinh tế và cải cách xã hội vào vị trí hàng đầu, tập trung nguồn lực chủ yếu cho giải quyết những vấn đề trong nước và giảm chi phí quốc phòng. Một trong những thành tựu lớn nhất của nhiệm kỳ 2 Tổng thống B.Obama là đưa nền kinh tế trở lại trạng thái phát triển bình thường. Theo thống kê mới nhất, tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 3,7% trong quý 2, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5,1% trong khi lạm phát giảm đáng kể. Trong lĩnh vực cải cách xã hội là một loạt các thay đổi về chính sách nhập cư, cải thiện việc làm cho thanh niên, bảo hiểm y tế. Một trong những cải tổ sâu rộng nhất phải kể đến đó là Đạo luật chăm sóc y tế (hay còn gọi là Obamacare). Đạo luật này được coi là cuộc cải cách lớn nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ kể từ năm 1965, đem lại cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân thuộc tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội.
Trong chính sách đối ngoại, khác với người tiền nhiệm thường đưa ra những tuyên bố hăng hái về chủ trương sử dụng sức mạnh của Mỹ nhằm thay đổi thế giới, trong nhiệm kỳ 2, Tổng thống B.Obama lại thẳng thắn duy trì quan điểm nước Mỹ cần phải xoay trục về trong nước thay vì phung phí sức lực cho việc giải quyết những vấn đề của thế giới. Bởi vậy, chấm dứt các cuộc chiến tranh tốn kém của Mỹ ở Iraq và Afghanistan nằm trong ưu tiên hàng đầu của Tổng thống B.Obama. Kiên trì quan điểm đường lối ngoại giao bền bỉ, Tổng thống B.Obama một lần nữa thành công trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, mở ra giai đoạn hợp tác mới với quốc gia Trung Đông giầu tài nguyên dầu mỏ. Kết quả đột phá với Iran chứng tỏ nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao cho một trong những ưu tiên đối ngoại theo hướng “đàm tốt hơn đánh” kể từ khi đặt chân vào Nhà Trắng của Tổng thống B.Obama là hoàn toàn đúng đắn, bất chấp quá trình này gian khổ và chứa đựng không ít rủi ro chính trị.
Sự kiện “bình thường hóa quan hệ với Cuba” cũng được coi là bước tiếp nối cho những thành công dồn dập của Tổng thống Barack Obama về đường lối đối ngoại, tăng sự tín nhiệm trong nhiệm kỳ hai của vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ. Mặc dù nhận nhiều chỉ trích, cáo buộc ông chủ Nhà Trắng đã nhượng bộ quá nhiều cho La Havana, nhưng vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ vẫn gạt qua những chỉ trích này để bảo vệ chính sách ngoại giao ưu tiên của mình. Và ông đã thành công. Quan hệ Mỹ - Cuba vốn bị đóng băng suốt 8 đời tổng thống Mỹ đã được hóa giải. Việc bình thường hóa quan hệ với Cuba dẫn đến việc hai nước mở lại đại sứ quán ở nước của nhau được xem như là di sản để đời của ông Obama trước khi rời Nhà Trắng.
Định hình những dấu ấn sau khi rời Nhà Trắng
Bên cạnh đó, Tổng thống B.Obama cũng ghi dấu ấn với hàng loạt những thành tựu đối ngoại quan trọng khác như đạt được Quyền đàm phán nhanh của Quốc hội để tiến tới việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nỗ lực chiến dịch chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hay củng cố các mối quan hệ đồng minh của Mỹ, cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo. Không một thành công nào trong số này là nhỏ. Ở giai đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama đã thực hiện được những cam kết của mình khi lên nắm quyền nhờ chính sách kiên định: sẵn sàng đối thoại, ngay cả với những kẻ bất đồng quan điểm và đối đầu với Mỹ.
Đến nay, tuy vẫn có nhiều ý kiến không đồng ý về kết quả các chính sách của Tổng thống B.Obama, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng chính sách ngoại giao này đã mang lại lợi ích lớn cho chính quyền Mỹ. Tổng thống B.Obama đã đóng góp một phần không nhỏ giúp Mỹ duy trì vị thế lãnh đạo thế giới, duy trì hình ảnh một cường quốc quan trọng và giàu có nhất trên hành tinh. Những thành tựu này đã định hình những dấu ấn mà ông B.Obama để lại sau 2 nhiệm kỳ cầm quyền.