(VOV5) - Hơn nửa năm sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su 24 của Nga ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, ngày 27/6 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chính thức gửi thư xin lỗi giới chức Nga. Đây được coi là động thái khá bất ngờ vì tuy đã phát đi một vài tín hiệu xuống thang trước đó song lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ luôn từ chối xin lỗi theo yêu cầu của Moscow. Sức ép từ lệnh trừng phạt kinh tế, sự thay đổi chính sách ngoại giao cũng như các mối nguy từ khủng bố được cho là nguyên nhân dẫn đến quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bức thư gửi Tổng thống LB Nga Vladimir Putin, Tổng thống Erdogan nói rằng ông "chia sẻ nỗi đau với gia đình của phi công bị bắn chết và gửi lời chia buồn đến họ" đồng thời "mong họ tha lỗi". Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo sẽ truy tố Alparslan Celik, nghi phạm sát hại phi công Nga Oleg Peshkov sau khi Su-24 bị bắn rơi.
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Brussels, Bỉ ngày 5/10/2015. AFP/TTXVN |
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi hành động bắn máy bay Su-24 của Thổ Nhĩ Kỳ là "một nhát đâm sau lưng do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện". Moscow đã nhiều lần đề nghị Ankara xin lỗi nhưng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không thừa nhận đây là sai lầm. Ankara cáo buộc máy bay Moscow vi phạm không phận trong khi Nga khẳng định phi cơ của họ đang hoạt động ở Syria. Vụ việc khiến Nga áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ như cấm nhập khẩu thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng chế độ miễn thị thực thăm viếng đối với công dân nước này, cấm các doanh nghiệp Nga thuê mới lao động Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu công ty lữ hành Nga hạn chế bán các gói du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Bước đi đạt mục tiêu đối nội và đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ
Trước khi có hành động xuống thang trong quan hệ với Nga, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rơi vào tình thế bị cô lập ngoại giao. Ông đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu với châu Âu trong cuộc khủng hoảng người tị nạn. Quan hệ giữa Ankara với các nước láng giềng như Iraq, Syria, Ai Cập cũng không mấy tốt đẹp, thậm chí có lúc rơi vào đối đầu khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các chiến dịch tấn công nhằm vào các tay súng người Kurd trên lãnh thổ Syria và Iraq. Ankara cũng bị Về phía các đồng minh, Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi đối đầu với Nga. Washington ngay từ đầu đã tuyên bố đứng ngoài tranh cãi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. NATO cũng tránh rơi vào rắc rối mới trong quan hệ với Moscow bởi quan hệ giữa Nga và NATO vốn dĩ luôn căng thẳng.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt từ Nga kết hợp với hậu quả của những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào ngành du lịch khiến nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên khó khăn hơn. Ông Aydin Sezer, một cựu quan chức thương mại từng đại diện cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow, ước tính lệnh trừng phạt từ Moscow sẽ khiến Ankara thiệt hại khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, gấp 4 lần con số dự đoán trước đó. Thực tế cho thấy chỉ riêng trong tháng 1/2016, kim ngạch xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga chỉ còn 108 triệu USD, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu ước tính cấm vận của Nga đã khiến tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 0,3% trong năm 2016.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại thủ đô Moskva ngày 29/6. AFP/TTXVN |
Về đối nội, từ đầu năm đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu hàng loạt vụ khủng bố nghiêm trọng, trong đó phải kể đến vụ đánh bom đẫn máu ở sân bay quốc tế Ataturk ngày 28/6 mới đây. Bên cạnh đó, cuộc xung đột kéo dài hơn 2 thập kỷ giữa chính quyền Ankara với cộng đồng người Kurd đang có dấu hiệu leo thang nghiêm trọng. Xung đột chính trị nội bộ dai dẳng cùng những cuộc tranh giành quyền lực trong nước dẫn tới việc thay đổi Chính phủ hồi tháng 5/2016 càng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sâu sắc và rạn nứt trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Rõ ràng hiện tại Ankara đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả ở trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, việc Ankara xuống thang để khôi phục quan hệ với Nga là điều cần thiết để đạt được mục tiêu cả đối nội lẫn đối ngoại.
Phản hồi thiện chí từ Nga
Việc quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bị sứt mẻ là điều không mong muốn của cả 2 bên. Trước thời điểm căng thẳng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ khá mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn của Nga với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 40 tỷ USD/năm, còn Nga là thị trường lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang xúc tiến một loạt thỏa thuận năng lượng chiến lược quan trọng, trong đó có dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.
Vì thế, 2 ngày sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gửi thư xin lỗi, ngày 29/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Chính phủ nước này bắt đầu tiến trình dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin cũng tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế về nhập cảnh đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí nối lại hợp tác và bày tỏ sẵn sàng tổ chức một cuộc hội đàm trực tiếp. Trong khi đó, lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov cho rằng có thể coi lời xin lỗi này như bước đi đầu tiên trên con đường bình thường hóa quan hệ.
Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan chủ động hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ với Nga là bước đi đầu tiên để vượt qua trạng thái đối đầu đã được thực hiện. Tuy đây mới chỉ là khởi đầu, song là tiền đề quan trọng để Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay nhau vì lợi ích kinh tế, chính trị của cả 2 bên.