(VOV5) - Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được tiến hành ở Việt Nam kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam năm 1930 cho đến nay.
Tại Việt Nam đang triển khai việc đấu tranh phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có dư luận cho rằng công tác xây dựng Đảng, đẩy lùi tham nhũng, suy thoái của Đảng còn hạn chế và Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công. Suy luận này không phản ánh đúng thực tế vấn đề này của Việt Nam.
Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Như mọi quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của chính quyền và toàn thể xã hội.
Tham nhũng bước đầu được kiềm chế
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được tiến hành ở Việt Nam kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam năm 1930 cho đến nay. Trong cuộc đấu tranh này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đặc biệt là tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thông qua cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và các cơ quan thông tin đại chúng.
Hình ảnh phiên họp thứ 12, Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN - ảnh: noichinh.vn |
Quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; nhất là sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí đã góp phần tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nhờ vậy, tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam bước đầu được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và xét xử nghiêm minh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài
Phát huy những kết quả bước đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, Việt Nam tiếp tục xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả. Trong số các giải pháp, Việt Nam chú trọng xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội và thể chế về phòng chống tham nhũng theo Cương lĩnh xây dựng đất nước, Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Thêm nữa là nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và tính tiền phong, gương mẫu của cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng. Cùng với đó, Việt Nam từng bước mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ nội luật hoá và thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.
Trên thực tế triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về phòng chống tham nhũng, số cán bộ, đảng viên phạm vào tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã giảm dần. Các cơ quan hành chính sự nghiệp đã có nhiều cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; các bệnh viện tăng cường trang thiết bị y tế, nâng cao y đức phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn; các trường học cũng chấn chính việc học thêm dạy thêm, thi cử chạy theo thành tích… Rõ ràng là người dân có hài lòng hơn trước về chất lượng phục vụ của cơ quan, cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Các hiện tượng tham nhũng cũng có chiều hướng được ngăn chặn. Điều đó nói lên rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái ở Việt Nam đã có kết quả bước đầu và đó là thực tế không thể phủ nhận được.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện rất cụ thể những biểu hiện suy thoái, xác định mục tiêu, quan điểm, các nhóm giải pháp và việc tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Điều này cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định quyết tâm chính trị trong phòng chống tham nhũng. Hơn thế nữa, cả xã hội Việt Nam cũng đã có sự chuyển mình và hệ thống chính trị đang cùng toàn dân quyết tâm đấu tranh có hiệu quả phòng chống tham nhũng, suy thoái.