Đầu tư kịp thời để phát triển khoa học - công nghệ
Đặng Linh - Hồng Vân -  
(VOV5) - Nghị quyết Trung ương 6 xác định khoa học - công nghệ có một vị trí chiến lược trong phát triển đất nước và phát triển một cách bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp quan trọng, mang tính đột phá là tăng cường đầu tư, cung cấp kinh phí kịp thời cho các đề tài khoa học. Biên tập viên VOV5 giới thiệu những giải pháp cơ bản để phát triển nền khoa học và công nghệ Việt Nam.
|
Đầu tư kịp thời để phát triển khoa học - công nghệ (Ảnh minh họa) |
Vai trò của khoa học công nghệ được xác định rõ trong nhiều Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam. Theo đó, khoa học công nghệ là khâu then chốt, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng bên cạnh việc duy trì 2% tổng chi ngân sách, cần có biện pháp huy động sự đóng góp của xã hội, doanh nghiệp. Ngoài ra, phải có nhiều giải pháp đồng bộ trong đó có chính sách khuyến khích, chế tài để các doanh nghiệp, tổ chức dành một phần lợi nhuận cho quỹ phát triển khoa học của chính doanh nghiệp, hoặc của địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần cải cách cơ chế cấp phát tài chính để khắc phục những tồn tại trong cấp phát kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học - công nghệ nhằm đáp ứng tính kịp thời của công tác nghiên cứu. Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu rõ: “Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa 11 về phát triển Khoa học – công nghệ, trong đó có nội dung rất quan trọng là việc tài trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các nhiệm vụ Khoa học - công nghệ phải phù hợp với tiến độ phê duyệt các nhiệm vụ này. Thứ hai là Trung ương cũng nhất trí rất cao là phải mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của Quỹ phát triển khoa học - công nghệ cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ. Đây là 2 điểm mấu chốt để giải quyết bất cập. Vì khi chúng ta có cơ chế để các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ khoa học lúc nào và được phê duyệt lúc nào thì có tiền, có kinh phí thực hiện ngay lúc đó. Đối với Quỹ thì không cần phải quyết toán theo năm tài chính mà sẽ quyết toán theo hợp đồng. Đồng thời, kinh phí của năm trước mà không sử dụng hết sẽ được tự động chuyển nguồn sang năm sau. Như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học".
|
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ để phát huy vai trò của khoa học - công nghệ trong phát triển đất nước
|
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết sắp tới Bộ sẽ thể chế hóa bằng Luật Khoa học – công nghệ sửa đổi, góp phần khắc phục được tình trạng bất cập này. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ Nguyễn Quân cũng cho rằng để phù hợp với thực tiễn hoạt động khoa học, công nghệ hiện nay cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, cần có một cơ chế đặc thù cho thực hiện nhiệm vụ Khoc học, công nghệ. Việt Nam đã hội nhập quốc tế nên cũng cần thay đổi cách hành xử với khoa học theo thông lệ quốc tế. “Tôi cho rằng, nghiên cứu khoa học cần phải có cơ chế đặc thù. Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 20, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 36, phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết trung ương, trong đó có rất nhiều nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành sửa đổi các luật hiện hành, kể cả Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thuế thu nhập và một số luật trong chuyên ngành của khoa học công nghệ. Chúng tôi hy vọng nếu các bộ, ngành phối hợp tốt sẽ có những quy định mới với kinh tế thị trường, với đặc thù của khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi những nhà quản lý Nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo các bộ, ngành phải đổi mới tư duy" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chỉ còn 7 năm để hoàn thành mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Đại hội Đảng XI đã đề ra. Do đó, việc tập trung nguồn lực và tạo cơ chế tài chính phù hợp để phát triển khoa học – công nghệ góp phần hiện thực hoá chủ trương phát triển khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước./.
Đặng Linh - Hồng Vân