Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới

(VOV5)- Để công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế, cần đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả, xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động một cách đồng bộ và toàn diện, góp phần hỗ trợ cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, nhất là trong tình hình mới. Đây là một nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 vừa diễn ra tại Hà Nội.


Các tham luận trình bày tại hội nghị đều có chung nhận định, tuy là hoạt động ngoại giao không chính thức, nhưng ngoại giao nhân dân lại có những ưu thế mà ngoại giao chính thức khó có thể “lấn sân”. Không bị hạn chế bởi nghi thức ngoại giao, lại có lực lượng đông đảo, cơ sở sâu rộng và phương thức linh hoạt, ngoại giao nhân dân đã trở thành một “binh chủng” quan trọng, cùng với ngoại giao Đảng và Nhà nước hợp thành nền ngoại giao tổng hợp của đất nước...

Thực tế những thành tựu của đối ngoại nhân dân trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2011, đã góp phần thiết thực củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước, vận động và tranh thủ nguồn lực vật chất, sự ủng hộ về tinh thần của bạn bè và các đối tác quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị và bảo vệ lợi ích của đất nước. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn khác nhau, đối ngoại nhân dân cần phải linh hoạt cả về phương thức lẫn nội dung hoạt động cho phù hợp, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Theo thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đa dạng về đối tượng, địa bàn, lực lượng tham gia là yêu cầu cần thiết đối với ngoại giao nhân dân trong giai đoạn hiện nay: “Trước đây chúng ta tập trung vào một số đối tác quan trọng hàng đầu. Đây vẫn là trọng tâm của chúng ta, ví dụ những đối tác chiến lược, đối tác toàn diện… nhưng tới đây chúng ta nên mở rộng ra các khu vực khác. Thứ hai là đối tượng cũng phải khác trước rất nhiều. Nếu trước đây chúng ta tập trung vào các đối tượng nhà nước, thì bây giờ ngoại giao nhân dân, thậm chí cả ngoại giao nhà nước cần tập trung vào những đối tượng là tập đoàn kinh tế.”


Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới - ảnh 1

Đoàn kiều bào các nước trong một lần tham quan tìm hiểu tại Bảo tàng TP.HCM


Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung làm rõ những hạn chế trong hoạt động đối ngoại nhân dân như công tác chỉ đạo, công tác tham mưu chưa thật sự phát huy hiệu quả, việc xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại của một số tổ chức vẫn thiếu bài bản, còn mang tính hình thức…

Theo ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cần phải tạo ra được một cơ chế phối hợp đồng bộ và hiệu quả. Với thế mạnh là Việt Nam có gần 100 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, hơn 400 tổ chức nhân dân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nếu có một cơ chế phối hợp rõ ràng thì sẽ phát huy được thế mạnh của lực lượng đông đảo làm công tác đối ngoại nhân dân, đem lại những hiệu quả thiết thực về cho đất nước. Ông Vũ Xuân Hồng đề xuất: “Trên cơ sở những hạn chế, tôi cho rằng mỗi hạn chế nên có một đề tài thật chuyên sâu để nghiên cứu tháo gỡ. Thứ hai cần tăng cường cơ chế quản lý để làm sao tới được tất cả các quần chúng nhân dân cùng tham gia. Thứ ba là sớm hình thành cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, các chủ thể tham gia làm công tác đối ngoại nhân dân.



Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới - ảnh 2

Chủ tịch LHCTCHNVN Vũ Xuân Hồng


Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Rảnh, Bí thư Đảng ủy khối Dân Chính Đảng thành phố HCM cho rằng, từ thực tiễn hoạt động của thành phố, là đầu mối giao lưu văn hóa kinh tế, với hơn 40 tổng lãnh sự quán và cơ quan đại diện ngoại giao, hoạt động đối ngoại nhân dân luôn được thành phố chú trọng, đa dạng các hoạt động với mục tiêu làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ truyền thống, con người của thành phố nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới, đấu tranh với những âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để xây dựng phát triển. Tuy nhiên, để đối ngoại nhân dân thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, bên cạnh xây dựng cơ chế phối hợp cần phải đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Văn Rảnh "Cần rà soát và ban hành những văn bản mang tính pháp quy trong công tác chỉ đạo, kiện toàn củng cố và phát triển bộ máy cán bộ, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân theo tinh thần chỉ thị 04 của Ban đối ngoại TƯ. Bố trí, đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nghiệp vụ đối ngoại, giỏi ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”.


Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới - ảnh 3

Hàng triệu người dân nghèo Việt Nam đã được hưởng lợi từ các dự án 
về xóa đói giảm nghèo của các tổ chức phi chính phủ



Nếu như trước đây, sự ủng hộ giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam có ý nghĩa hết sức to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thì hiện nay, những hỗ trợ về vật chất và kinh nghiệm trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó thiên tai, giải quyết vấn đề môi trường… vẫn đặc biệt cần thiết đối với VN. Đặc biệt, để một hình ảnh Việt Nam đang phát triển đến được với bạn bè quốc tế, để bạn bè quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng về Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng mà đối ngoại nhân dân phải gánh vác. Vì vậy, việc nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những ưu khuyết điểm trong hoạt động đối ngoại nhân dân, sẽ tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh triển khai nền ngoại giao toàn diện, theo đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và Việt Nam là bạn bè, đối tác tin cậy của tất cả các nước./.

                                                                                      Ánh Huyền


Phản hồi

Các tin/bài khác