(VOV5) - Tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 11 diễn ra ngày 6/12 tại Hà nội, các đại biểu trong nước và quốc tế cùng đồng tình nhận định công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam đã có nhiều cải thiện và hoạt động phòng chống tham nhũng tại các địa phương có vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng của Việt Nam.
|
Cuộc đối thoại “Công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương, thực trạng và giải pháp”
|
Tại cuộc đối thoại với chủ đề: “Công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương, thực trạng và giải pháp”, các nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao ba điểm mới trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Đó là: Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã có kết luận về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng và thành lập ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương đứng đầu; Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng; cho ý kiến về Luật đất đai sửa đổi, lĩnh vực được coi là điểm nóng của tham nhũng và Chính phủ đã thông qua Chương trình hành động thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012-2016. Ở các địa phương, chỉ riêng trong năm 2012, cả nước đã phát hiện, khởi tố hơn 270 vụ việc, 287 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng, thu hồi giá trị tài sản hơn 540 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn thực hiện đầy đủ các cam kết, thỏa thuận quốc tế về chống tham nhũng, mở rộng hợp tác đa phương và song phương, tham dự các diễn đàn quốc tế về chống tham nhũng.
Về công tác phòng chống tham nhũng ở các địa phương, điểm nổi bật nhất trong 5 năm qua là 63 tỉnh thành của Việt Nam đã hoàn thành và công bố công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng tại các địa phương của Việt Nam còn chưa đạt yêu cầu là mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Việc chuyển đổi vị trí công tác còn mang tính hình thức, bất cập, việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế.
Phát biểu tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ Việt Nam quyết tâm hành động để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, nhất là tham nhũng ở các địa phương trong các lĩnh vực nhạy cảm. Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần nghiên cứu kỹ những điển hình tốt, có sự đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng mô hình chuẩn để triển khai nhân rộng trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tham nhũng trong đất đai, trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong đầu tư công, quản lý ngân sách nhà nước là vấn đề rất nóng bỏng ở địa phương. Trong khi chúng ta chưa thay đổi đầy đủ cơ chế, thể chế kịp thời thì những điển hình thành công luôn có sức thuyết phục cao. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương cần nghiên cứu kĩ kinh nghiệm, xem xét khả năng vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với các điển hình tốt ở địa phương cần có đánh giá, từ đó xây dựng thành mô hình chuẩn để triển khai nhân rộng trong thời gian tới”.
Tại cuộc đối thoại, các đại biểu quốc tế cho rằng để công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương hiệu quả hơn, phải huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trước tiên, cấp chính quyền địa phương phải chú trọng công tác này, song song với việc thúc đẩy, nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực trọng yếu trong công tác phòng chống tham nhũng. Đại diện Bộ phát triển quốc tế Vương quốc Anh, ông Renwick Irvine cho rằng: “Cơ chế giám sát để có thể hỗ trợ cho phòng chống tham nhũng hiện nay của Việt Nam là chưa hiệu quả. Tham nhũng là triệu chứng chứ không phải căn nguyên. Những tiến triển vừa qua cho thấy tăng trưởng kinh tế rất nhanh nhưng rõ ràng công tác giám sát không theo kịp. Do đó cần tăng cường vai trò của công dân và xã hội dân sự”.
Để tăng tính hiệu quả cho công cuộc phòng chống tham nhũng, các đại biểu trong và ngoài nước đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh các hành vi tham nhũng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng.Với việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng và Chương trình hành động thực hiện Luật phòng chống tham nhũng giai đoạn 2012-2016, công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ được triển khai tích cực hơn trong thời gian tới./.