Đẩy mạnh tiến trình cải cách kinh tế vì mục tiêu tăng trưởng bền vững

(VOV5) - Việc bước vào nhóm nước thu nhập trung bình đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam, trong đó nổi lên là những thách thức tụt hậu và rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Kinh nghiệm phát triển trên thế giới cho thấy chỉ những nước nào kiên trì cải cách, kiến tạo được khung thể chế và quản trị tốt, nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể vượt qua. Với Việt Nam, Chính phủ cũng đang quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, cả về tư duy phát triển cũng như nỗ lực cải cách, hướng tới một nền kinh tế bền vững, bao trùm trong giai đoạn tới.


Đẩy mạnh tiến trình cải cách kinh tế vì mục tiêu tăng trưởng bền vững - ảnh 1
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định để cải cách thành công đòi hỏi bản lĩnh và quyết tâm lớn của cả nền kinh tế. Ảnh: kinhdoanh.vnexpress.net


Ngay trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, nguồn động lực chính phải đến từ đổi mới thể chế. Vì vậy, cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là yêu cầu cấp thiết mang tính chiến lược của Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy và tầm nhìn phát triển

Việc tìm những hướng đi mới tiến đến một nền kinh tế bền vững, hài hòa về xã hội và môi trường không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới cũng như ở mỗi quốc gia.

Nhìn lại chặng đường phát triển gần 30 năm kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Dù lực lượng lao động dồi dào song tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn. Cùng với đó là những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu… Ý thức rõ những thách thức này, trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Việt Nam khẳng định quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới với ba đột phá chiến lược, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Điều này được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tái khẳng định trước cộng đồng quốc tế trong cuộc hội thảo “Cải  cách kinh tế cho tăng trưởng bền vững và bao trùm” tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội: “Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, Nhà nước bảo đảm thị trường giữ vai trò quan trọng trong phân bổ nguồn lực, đồng thời có công cụ và chính sách điều tiết hiệu quả để đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội. Việt Nam đang quyết tâm đẩy nhanh cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn kinh tế nhà nước, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần phát triển sản xuất kinh doanh”.

Những cải cách kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam và đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế. Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam tháng 3 này, bà Helen Clark, Tổng giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc, nhấn mạnh với Liên hợp quốc, Việt Nam luôn là một câu chuyện thành công về tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Để viết tiếp câu chuyện thành công, việc tìm tòi, lựa chọn các biện pháp cải cách phù hợp là yêu cầu tất yếu của Việt Nam hiện nay và Liên hợp quốc đánh giá cao những động thái cải cách của Việt Nam gần đây. Bà Helen Clark nêu rõ: “Đối mặt với phát triển kinh tế chậm lại, Chính phủ Việt Nam đang tích cực hình thành các cải cách kinh tế “thế hệ hai” để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và đảm bảo tiếp tục các tiến bộ kinh tế xã hội đáng ghi nhận trong hai thập kỷ qua. Các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững sẽ là quan trọng cho thành công của các cải cách đó, để đảm bảo cho mọi người dân Việt Nam, hiện nay và tương lai, được hưởng lợi từ tăng trưởng bền vững”.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong tiến trình cải cách

Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các liên kết kinh tế đa tầng nấc, nhất là các Hiệp định thương mại khu vực tự do (FTA) mới với các luật chơi và mức độ mở cửa thị trường sâu rộng, vừa tạo ra không gian phát triển mới, vừa đặt ra thách thức lớn về cải cách bên trong để tương thích.

Việt Nam đang bước vào một giai đọan phát triển rất quan trọng, đòi hỏi đổi mới và tư duy mạnh mẽ và quyết tâm cao, đẩy mạnh cải cách và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Những quyết tâm đổi mới của Việt Nam đang được các đối tác quốc tế đánh giá cao và tin tưởng. Tại Hội thảo “Cải cách kinh tế cho tăng trưởng bền vững và bao trùm”, bà Helen Clark khẳng định: “Việt Nam có nhiều điểm mạnh của riêng mình, trong đó có lực lượng lao động trẻ và cạnh tranh, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và vị trí địa lý ở trung tâm một khu vực phát triển năng động. Với những lựa chọn chính sách khôn ngoan, tương lai của Việt Nam sẽ rất sáng lạn”.

Bên cạnh sức mạnh nội sinh và khát vọng vươn lên của cả dân tộc, những kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới, những khuyến nghị chính sách từ cộng đồng quốc tế luôn là bài học quý đối với Việt Nam, để Việt Nam vượt qua thách thức, hiện thực hóa tầm nhìn: Đến năm 2020 cơ bản sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Minh Việt

Việc phát triển vùng miền hiện rất mất cân đối (mất công bằng). Sinh viên thanh niên ra trường thất nghiệp quá nhiều ở vùng bắc trung miền tây ... Xem thêm

Các tin/bài khác