Để đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững

 Để đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững  - ảnh 1

Đời sống nông thôn đã thực sự khởi sắc (Ảnh: KT)


(VOV5) Sau 3 năm, Nghị quyết 30a (Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo) đã đi vào cuộc sống bằng các chính sách cụ thể và đã đạt được nhiều kết quả. Nhưng để tốc độ giảm nghèo nhanh đi đôi với giảm nghèo bền vững còn cần nhiều nỗ lực và đây cũng là nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a, tổ chức mới đây tại HN. 


Nghị quyết 30a ra đời tháng 12/2008 là một quyết sách quan trọng của Chính phủ nhằm giúp 62 huyện thuộc 20 tỉnh trong cả nước có số hộ nghèo hơn 50%, sớm thoát nghèo. Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết đã huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tập đoàn, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã được huy động để thực hiện Nghị quyết 30a, tạo nên những đổi thay lớn, mạnh mẽ tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Theo thống kê, tổng số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí để hỗ trợ thực hiện chương trình theo Nghị quyết 30a kể từ năm 2008 là hơn 8.500 tỷ đồng. Sau 3 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện đã giảm bình quân 5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của các huyện tăng 2,5 lần, các huyện đã cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm với tỷ lệ hơn 97%. Trong bối cảnh tất cả các bộ, ngành, địa phương đều quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11, cắt giảm đầu tư công thì những danh mục vốn cho nghị quyết 30a cũng không bị cắt giảm. Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí hơn 3.600 tỷ đồng cho 62 huyện nghèo, tăng gần 2 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình được triển khai như Quỹ vì người nghèo, hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, đưa trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo… đã phần nào tạo được sự đổi thay tại các huyện nghèo.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, số hộ nghèo đã giảm nhanh nhưng chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ tái nghèo vẫn chiếm 7-10% trong tổng số thoát nghèo hàng năm. Bên cạnh đó việc triển khai chính sách chưa đồng bộ nên chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, việc phân cấp, giao quyền chủ động cho các huyện chưa triệt để; các địa phương chưa chủ động huy động nguồn lực, còn tâm lý trông chờ vào trung ương…. Vì vậy, theo nhiều ý kiến, thới gian tới, cần khắc phục những hạn chế còn tồn tại để mục tiêu của nghị quyết thành hiện thực. Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị: “Thời gian tới, Chính phủ cần tập trung vào hai việc là hỗ trợ sản xuất để nâng cao đời sống. Thứ 2 là phải hỗ trợ nâng cao trình độ dân trí cho người dân. Cụ thể, phải tăng cường hơn trong đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, dạy nghề; tăng cường xuất khẩu lao động nâng cao dân trí cho người dân để cho người dân  có trình độ, năng lực trong tổ chức sản xuất, quản lý đời sống. Có như vậy chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững”.

Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, giảm nghèo là một quá trình lâu dài, không thể nóng vội. Tập trung giải quyết những huyện nghèo nhất, khó khăn nhất, “lõi” nghèo của cả nước là một lộ trình thích hợp trong mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tại VN. Mặc dù VN đã triển khai toàn diện nhiều chính sách, chương trình dự án giảm nghèo nhưng công cuộc giảm nghèo ở VN cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Để từng bước giảm nghèo bền vững, bên cạnh các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Chính phủ cần có sự tham gia tích cực hơn nữa từ tất cả các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là sự chủ động của từng địa phương. Trước mắt, những năm còn lại của giai đoạn 2011-2015, các địa phương nhanh chóng xây dựng quy hoạch xóa đói giảm nghèo: “Các địa phương nên xem việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. Trên cơ sở đó đưa các chỉ tiêu cụ thể vào trong kế hoạch hàng năm và sự kiểm điểm, đánh giá cho từng chỉ tiêu, kể cả về cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, môi trường, giảm nghèo… Ngoài ra, đề nghị các địa phương quan tâm đến việc quy hoạch. Đây là cái gốc của vấn đề để phục vụ cho việc giảm nghèo nhanh và bền vững”.

Trước khi có nghị quyết 30a, VN cũng đã có nhiều chương trình như 134-135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi), Nghị quyết tam nông và mới đây là định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, hiện nay, Bộ Lao động thương binh xã hội đang nghiên cứu, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo hàng năm trên cơ sở chuẩn nghèo được cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhằm bảo đảm giá trị thực của chuẩn nghèo, phản ánh đúng thực chất kết quả giảm nghèo. Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Phấn đấu đạt mục tiêu thực hiện NQ 30a đề ra đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức bình quân dưới 35% theo chuẩn nghèo mới, tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư, người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 40%, tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở các huyện nghèo”.

Giảm nghèo cho 62 huyện nghèo trong cả nước tiếp tục là một chính sách ưu tiên của VN trong giai đoạn tới. Những kết quả, kinh nghiệm cũng như những bài học rút ra sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a sẽ giúp Chính phủ, các cơ quan chức năng xây dựng những chương trình cụ thể hơn, nhằm mục tiêu đưa VN đạt được những thành tựu giảm nghèo mới trong vòng 1 thập kỷ tới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác